Lễ động thổ xây dựng cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua sông Lam, tỉnh Nghệ An

Thứ sáu, 02/10/2015 16:12

(ĐCSVN) - Ngày 2/10/2015, tại xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Lễ động thổ xây dựng cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua sông Lam, tỉnh Nghệ An.

 

Hình ảnh 3D của dự án 

Với Tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng, cầu Yên Xuân là hạng mục bổ sung vào Dự án BOT tuyến tránh TP. Vinh và mở rộng Quốc Lộ 1, đoạn Nam cầu Bến Thủy – tuyến tránh TP. Hà Tĩnh do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 – CTCP làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 6 là đại diện Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp dự án là Chi nhánh BOT tuyến tránh Thành phố Vinh.

Cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua sông Lam và cách cầu đường sắt Yên Xuân hiện tại khoảng 2.5Km về phía thượng lưu. Chiều dài toàn tuyến khoảng 3.6Km, trong đó chiều dài phần cầu L=1.89Km và chiều dài đường hai đầu cầu khoảng 1.40km

Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật cầu Yên Xuân như sau: Về phần cầu, cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng BTCT và BTCT DUWL; tải trọng thiết kế HL93; bề rộng cầu Bcầu=9m; tần suất thiết kế P=1%; khổ thông thuyền cấp III (BxH=40mx7.0m) với tần suất H5% giờ theo TCVN5664:2009.

Về kết cấu phần trên: Nhịp dẫn: sử dụng 33 nhịp dầm giản đơn, mặt cắt ngang cầu gồm 4 phiến dầm Super T BTCT DƯL, chiều cao dầm 1.75m, chiều dài dầm 38.30m và 4 nhịp dầm bản BTCT DƯL lắp ghép chiều dài L=20m, chiều rộng 1.0m, chiều cao dầm 750mm. Các dầm chủ được liên kết với nhau bằng dầm ngang (đối với dầm Super T) và bản mặt cầu. Nhịp chính: sử dụng dầm liên tục 6 nhịp (58 + 4x90 + 58)m. Mặt cắt ngang gồm 1 hộp có chiều cao thay đổi, chiều cao dầm tại trụ là 5.50m, tại giữa nhịp và hai đầu cánh hẫng là 2.4m. Bản mặt cầu liên tục nhiệt bằng BTCT đổ tại chỗ, lớp mặt cầu bằng bê tông atphal hạt trung dày 7cm.

Về kết cấu phần dưới: Hai mố kiểu tường BTCT, móng đặt trên nền cọc khoan nhồi đường kính D = 1.0m. Trụ bằng BTCT, kiểu trụ một cột, mặt cắt ngang thân trụ hình chữ nhật. Móng trụ đặt trên nền cọc khoan nhồi đường kính D=1.5m.

Về phần đường: Theo tiêu chuẩn đường cấp IV (đồng bằng) TCVN 4054-2005, tốc độ thiết kế V = 60 km/h. Bình đồ: cơ bản bám theo đường hiện tại để tận dụng nền mặt đường cũ và hạn chế khối lượng GPMB. Trắc dọc: tuân thủ quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường, châm chước bán kính đường cong đứng Rmin = 2.500m; điểm đầu và cuối tuyến vuốt về mặt đường cũ. Trắc ngang: chiều rộng nền đường Bnền=9,0m; chiều rộng mặt đường Bmặt =7,0m, bao gồm 02 làn xe cơ giới. Nền đường: đắp đất, xáo xới lu lèn đầm chặt đảm bảo K ≥ 0,95, riêng đối với 50cm lớp đất dưới đáy kết cấu áo đường đảm bảo độ chặt K ≥ 0,98. Mặt đường: mặt đường thiết kế đảm bảo cường độ Eyc > 130Mpa, bao gồm 02 lớp bê tông nhựa chặt trên lớp móng CPĐD.

Về các nút giao: Trong phạm vi dự án có thiết kế 03 nút giao cùng mức (giao đường tỉnh TL558 và đường ven đê Nam Kinh và nút giao cuối tuyến), kết cấu nền mặt đường như kết cấu nền mặt đường chính tuyến. Tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu, đảo xuyến và vạch sơn dẫn hướng. Hệ thống an toàn giao thông được đảm bảo bằng việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hộ lan, biển báo hiệu, sơn vạch kẻ đường... theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT. Hệ thống điện chiếu sáng: xây dựng mới hệ thống chiếu trong phạm vi từ nút giao đầu tuyến đến nút giao cuối tuyến.

Về các trạm thu phí: Sử dụng trạm thu phí cầu Bến Thủy (cũ) và trạm Bến Thủy II để cùng thu phí hoàn vốn. Thời gian hoàn vốn kéo dài thêm 2,2 năm so với thời gian hoàn vốn của dự án tuyến tránh TP.Vinh, mở rộng QL1 đoạn từ Nam Bến Thủy đến tuyến tránh TP.Hà Tĩnh.

Việc đầu tư xây dựng công trình cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua sông Lam là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT của ngành và địa phương, từng bước cải thiện mạng lưới giao thông của cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Công trình cầu Yên Xuân không những xóa bỏ vị trí ốc đảo của chín xã huyện Nam Đàn, Nghệ An và năm xã huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh trong mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân vùng lũ mà còn giải quyết tốt vấn đề mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ở khu vực cầu đường sắt Yên Xuân.

Sau khi xây dựng xong, cầu Yên Xuân sẽ cùng với đường tỉnh 558, QL15A, cầu Linh Cảm và hệ thống hạ tầng sống chung với lũ của các huyện Nam Đàn, Đức Thọ trở thành mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh và ngắn nhất nối từ Vinh đến cửa khẩu Việt Lào. Bên cạnh đó, công trình còn kết nối cụm di tích lịch sử, văn hóa hàng đầu của đất nước; đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên QL1A, tuyến tránh TP.Vinh, QL15A, QL8 thúc đẩy việc thông thương, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực