(ĐCSVN) - Theo kế hoạch, toa tàu mẫu của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ để nhân dân tham quan và góp ý. Đánh giá chung, phần lớn người dân tỏ ra khá hào hứng khi lần đầu được chứng kiến toa tàu mẫu của dự án đường sắt trên cao.
Ngày 29/10, người dân Thủ đô bắt đầu được tham quan bên trong toa tàu mẫu của tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Đây là đầu tàu mẫu trong số 13 đoàn tàu mà Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) dự kiến mua cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Sau 1 tuần trưng bày, rất đông người dân đã đến và đóng góp nhiều ý kiến về hình dáng, màu sắc, nội thất cũng như sự tiện lợi của tàu khi đưa vào sử dụng.
|
Ông Nguyễn Khả Quả (nguyên cán bộ công an quận Cầu Giấy) cùng vợ đến tham quan toa tàu mẫu (Ảnh: KS). |
Có mặt tại Triển lãm Giảng Võ với hy vọng được tận mắt chứng kiến toa tàu mẫu đầu tiên tại Việt Nam, ông Nguyễn Khả Quả (nguyên cán bộ công an quận Cầu Giấy) không giấu được cảm xúc: “Khi có thông tin về buổi Triển lãm, tôi và vợ đã tới đây để tham quan và đóng góp ý kiến cho các cơ quan chức năng. Theo tôi, Hà Nội đang phát triển rất nhanh, chính vì vậy, hệ thống đường sắt trên cao sẽ góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô cũng như đảm bảo mật độ đi lại đang ngày càng tăng trong tương lai. Qua tham quan, tôi thấy toa tàu đã đáp ứng được một số tiêu chí như: Lịch sự, hiện đại, thoáng mát. Tuy nhiên, để nói về hiệu quả hoạt động, tôi cho rằng, chúng ta còn phải chờ khi dự án đi vào thực tế mới biết được hiệu quả đến đâu. Bên cạnh đó, để tàu có thể phục vụ lâu dài, tôi đề nghị các cơ quan chức năng mà trước hết là Bộ Giao thông vận tải cần thường xuyên bảo dưỡng, duy tu đảm bảo đoàn tàu luôn sạch sẽ, an toàn, vận hành liên tục, để người dân đi lại được thuận tiện”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Việt Trung (Long Biên, Hà Nội) tỏ ra khá hào hứng với toa tàu mẫu: “Là một người trẻ, tôi rất vui mừng khi Hà Nội chuẩn bị có những tuyến đường sắt đô thị hiên đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Tuy nhiên, tôi cho rằng, phần tay cầm chưa hợp lý vì được bố trí quá gần 2 hàng ghế ngồi, như vậy sẽ nảy sinh nhiều tình huống khó xử khi người đứng người ngồi. Bên cạnh đó, cửa ra vào cũng nên thiết kế lại vì hơi thấp, gây bất tiện với những người có chiều cao trên 1m7 như tôi”.
|
Ông Nguyễn Xuân Quang (Viện Khoa học Mỏ luyện kim) cho rằng, không nên so sánh tàu của Việt Nam với các nước khác trên thế giới (Ảnh: KS) |
Là người đã trải nghiệm tàu điện tại một số quốc gia, ông Nguyễn Xuân Quang (Viện Khoa học Mỏ luyện kim) cho rằng, việc so sánh giữa tàu Việt Nam với các nước khác là điều “khập khiễng” vì các nước phát triển trên thế giới đã sử dụng tàu điện từ rất lâu. Với toa tàu mẫu, bác Quang nhận xét, dù nội thất khá hợp lý nhưng thiết kế bên ngoài có phần chưa được thanh thoát. “Tôi đề nghị hệ thống cửa ra vào cần mở rộng hơn vì khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động sẽ phục vụ rất đông hành khách lên xuống trong thời gian rất ngắn. Tôi cho rằng, hiện nay, câu chuyện mà người dân quan tâm nhất là chúng ta sẽ vận hành tàu điện trên cao như thế nào, trong bối cảnh vấn đề an toàn cần phải đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, quan tâm đến thiết kế là tốt, nhưng các cơ quan chức năng cần đặc biệt lưu tâm đến quá trình sử dụng và vận hành sau này sao cho an toàn tuyệt đối” - ông Quang chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Kim Mã, Ba Đình) cho biết: “Tôi rất hào hứng khi đây là lần đầu tiên chúng ta được chứng kiến toa tàu mẫu trong dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và cũng lần đầu tiên Việt Nam sử dụng tàu điện trên cao. Với tư cách là người đã có cơ hội trải nghiệm các loại tàu hiện đại tại Nhật Bản, tôi cho rằng, trước hết đây là một bước tiến dài của nước ta trong vấn đề giao thông đô thị. Theo quan điểm cá nhân của tôi, nhìn chung thiết kế, cách bài trí trên tàu là phù hợp với người Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta có thể điều chỉnh lại hệ thống tay cầm sao cho hợp lý hơn với những người có chiều cao, đặc biệt là người nước ngoài. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng, những người sử dụng dịch vụ đường sắt trên cao chủ yếu sẽ đứng, vì vậy, số lượng tay cầm cũng cần được tăng lên để đáp ứng nhu cầu hành khách trong giờ cao điểm”.
|
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi Thủ đô sắp có hệ thống đường sắt đô thị hiện đại (Ảnh: KS) |
Đồng tình với nhiều góp ý tại Triển lãm, ông Chu Xuân Nhạn (nguyên kỹ sư đường sắt) cho rằng, việc trưng bày mẫu tàu điện để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đã thể hiện được tinh thần cầu thị của ngành đường sắt. Qua thực tế, ông Nhạn mong rằng, chủ đầu tư nên bổ sung tay cầm để nhiều người có thể sử dụng vì phần ghế ngồi có hạn. Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực đường sắt và tham quan tàu điện của nhiều nước, ông Nhạn nhận xét: "Về cơ bản, hình dáng, nội ngoại thất, màu sắc trang nhã cũng đáp ứng được. Tuy nhiên, phần vỏ tàu bằng thép không rỉ ở ngoài có quá nhiều chấm tròn, không đảm bảo mỹ quan, nên khắc phục. Cá nhân tôi nghĩ rằng, trên các toa tàu cần lắp đặt thêm hệ thống camera an ninh để ngăn chặn nạn móc túi cũng như góp phần nâng cao tính tự giác của người đi tàu”.
Theo dự kiến, toa tàu mẫu tuyến đường sắt đô thị sẽ được trưng bày đến hết tháng 11/2015 để người dân đóng góp ý kiến. Mọi ý kiến đóng góp của người dân sẽ được Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận, qua đó để hoàn thiện đoàn tàu./.