Nỗi lo tắc đường ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai)

Thứ sáu, 02/10/2015 16:12

(ĐCSVN) – Dân số tăng nhanh do lượng người nhập cư đến làm ăn, sinh sống, cùng với đó là lượng phương tiện giao thông đăng ký ngày một nhiều, đã khiến cho thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông.

Nỗi lo kẹt đường

 

 Ngã tư Tân Phong, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hoà
thường xuyên kẹt đường vào giờ cao điểm. (Ảnh: K.V)

Một trong những yếu tố góp phần làm cho thành phố Biên Hòa ngày càng trở nên chật chội, đó là do dân số cơ học tăng nhanh. Nếu như năm 2005 dân số của thành phố này chỉ có hơn 500 nghìn người, thì hiện dân số đã tăng lên gấp đôi. Theo thống kê mới nhất của cơ quan chức năng, hiện tại dân số của thành phố là hơn 1 triệu người. Trong đó có khoảng 300 nghìn người từ nơi khác đến làm ăn sinh sống. Thiếu tá Bùi Thị Vui, Phó đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng xe ô tô và mô tô đăng ký mới ở thành phố Biên Hòa là trên 34 nghìn chiếc, trong đó có trên 7.800 xe ô tô, còn lại là xe mô tô. So với năm 2014 thì lượng xe ô tô đăng ký mới trong 9 tháng của năm 2015 nhiều hơn năm 2014 là trên 2 nghìn chiếc.

Anh Đào Văn Khánh, một người dân cư trú ở phường Trảng Dài, thành phố Biên Hoà tâm sự, do tình trạng kẹt xe ở thành phố Hồ Chí Minh diễn ra thường xuyên khiến tâm lý căng thẳng và chán nản, anh đã quyết định về thành phố Biên Hòa làm việc. Những năm đầu đi làm, anh cảm thấy đỡ hơn rất nhiều nhưng hơn một năm nay, tình trạng ách tắc ở khu vực ngã tư Tân Phong, ngã tư Amata mỗi khi vào giờ cao điểm đã diễn ra thường xuyên và không khác gì tình trạng giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng tâm trạng với anh Đào Văn Khánh, chị Bùi Diệu Bình, bác sỹ Bệnh viện Tâm thần Trung ương II cho biết, khoảng cách từ nhà đến cơ quan không xa lắm, chỉ vài cây số, nhưng cứ buổi sáng đi làm chị Bình phải dậy khá sớm, bởi tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm tại khu vực cầu Săn Máu ra đường Nguyễn Ái Quốc xảy ra thường xuyên, mặc dù ngành chức năng đang thi công một cây cầu mới tại đây, nhưng tình hình vẫn chưa khả quan là mấy, bởi tiến độ làm cầu diễn ra khá chậm.

Thành phố Biên Hòa tập trung rất nhiều khu công nghiệp lớn, đó là các khu công nghiệp Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata, Long Bình... ,đó là chưa kể đến các cụm công nghiệp nhỏ lẻ, có rất nhiều doanh nghiệp lớn với số lượng công nhân lên đến hàng chục nghìn người lao động trong một doanh nghiệp, cộng thêm với số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh chóng khiến mật độ giao thông trên các tuyến đường ở thành phố Biên Hòa đã trở nên chật chội, nhất là vào các giờ cao điểm.

Mặc dù thời gian qua đã có nhiều công trình giao thông trọng điểm được xây dựng và đưa vào sử dụng, như cầu vượt Amata, cầu vượt ngã tư Vũng Tàu, hầm chui Tam Hiệp... nhưng tình trạng kẹt xe vẫn cứ diễn ra, nhất là vào giờ cao điểm. Tại nút giao thông ngã tư Amata, vào các khung giờ cao điểm từ 6h30 đến 7h và 17h đến 18h30 hàng ngày thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Hàng nghìn phương tiện từ các hướng lưu thông tập trung về đây, gặp đường chật, mật độ xe dày đặc nên chỉ cần vài chiếc xe container, xe buýt quay đầu là có thể xảy ra ùn ứ bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, từ khi có cầu vượt ngã tư Vũng Tàu, tình hình giao thông hướng từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Biên Hòa khá ổn định, nhưng hướng từ quốc lộ 51 về Trạm thu phí cầu Đồng Nai lại phức tạp. Nguyên nhân một phần do lượng xe ô tô di chuyển trên quốc lộ 51, hướng từ đường Võ Nguyên Giáp về thành phố Hồ Chí Minh nhiều hơn quốc lộ 1, dẫn đến việc cầu vượt ít xe đi, còn dưới chân cầu lại tập trung xe đông, thường xuyên bị ùn tắc.

Ngoài ra, vào khoảng 16h30 hàng ngày, lượng xe 2 bánh từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đổ dồn về ngã tư rất đông. Phương tiện giao thông đông từ hai hướng nên đã xảy ra tình trạng ùn ứ. Dòng xe bị kẹt cứng có lúc kéo dài từ chân cầu vượt đến tận ngã ba Bến Gỗ, trên quốc lộ 51, thuộc xã An Hòa, thành phố Biên Hòa. Người đi xe máy phải len lỏi di chuyển ra quốc lộ 51 giữa các loại xe tải lớn, xe đầu kéo nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, hiện nay số lượng xe đưa rước công nhân của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu. 80% còn lại, công nhân vẫn đi bằng phương tiện cá nhân. Chính vì vậy, cứ vào giờ cao điểm, nạn kẹt xe ở thành phố Biên Hòa đã thường xuyên xảy ra. Tại nhiều tuyến đường, tình trạng chợ cóc, hàng quán ,mọc lên san sát ngay bên đường cũng là nguyên nhân gây kẹt xe, điển hình là đường Bùi Văn Hoà, phường Long Bình, giao thông trên tuyến đường này thường xuyên lộn xộn do người mua bán hàng lấn chiếm ra cả lòng đường.

Còn tại khu vực ngã 4 Amata, trước khi xây dựng cầu vượt, ở đây có đường song hành, phía phường Long Bình chạy song song với xa lộ Hà Nội. Khi cầu vượt hoàn thành thì đường song hành không còn, chính vì vậy mỗi ngày, hàng trăm lượt người đi xe máy từ khu phố 3, phường Long Bình đã lựa chọn giải pháp đi ngược chiều bất chấp nguy hiểm, bất chấp luật giao thông để khỏi phải quay đầu xe. Ông Lê Trọng Vĩnh, chuyên viên Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho rằng, với tình trạng kẹt xe như hiện nay, không thể hoàn toàn đổ lỗi cho đường hẹp, mà ngoài ý thức của người đi đường còn do chính quyền địa phương chưa kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông.

Không chỉ ùn tắc ở những nơi giao cắt giữa các tuyến đường với nhau, tình trạng này cũng xảy ra phổ biến ở các khu vực cổng trường, cổng các công ty, chợ, siêu thị... Tại phường Trảng Dài, một phường mới thành lập được chưa đầy chục năm nay nhưng dân số của phường đã lên tới con số khoảng 80 nghìn người. Tuy nhiên, những con đường chính của phường Trảng Dài nối với các phường khác trong Thành phố lại quá nhỏ và luôn ở trong tình trạng thắt cổ chai, điều này đã gây nên tình trạng ùn tắc thường xuyên vào giờ cao điểm.

Để tránh tình trạng đi làm muộn giờ, nhiều người đã chọn phương án đi làm sớm trước nửa tiếng đồng hồ, khi trở về nhà thì lùi lại chờ cho qua giờ cao điểm, tránh đi qua những điểm thường xuyên bị kẹt xe. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế vì việc tắc đường vẫn thường xuyên diễn ra, bất kể vào lúc nào khi mà hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố Biên Hòa xem ra đã trở nên quá tải trước việc người và phương tiện giao thông tăng đột biến.

Giải pháp để đường thông, hè thoáng

 

 Có cầu vượt nhưng vẫn kẹt đường do lượng xe máy quá lớn
(Ảnh: K.V)


Theo nhận định của cơ quan chức năng, thành phố Biên Hòa đang ở trong tình trạng thiếu đồng bộ trong hạ tầng giao thông. Nếu như xa lộ Hà Nội được Bộ Giao thông-vận tải đầu tư lớn với cầu vượt, hầm chui có tổng kinh phí lên tới cả nghìn tỷ đồng, thì những tuyến đường khác thuộc quản lý của địa phương lại hầu như không có mấy thay đổi, trong khi lượng người, lượng xe thì ngày càng đông. Cùng với đó là việc phân luồng, bố trí giao thông chưa thực sự hợp lý ở một số tuyến đường, nút giao…,ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc có cầu vượt nhưng vẫn kẹt xe tại khu vực ngã tư Vũng Tàu và ngã tư Amata là do quá trình phân luồng giao thông, triển khai cắm biển báo chỉ hướng tại đây chưa khoa học và thiếu hợp lý. Qua khảo sát hiện trường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực cầu vượt Amata, đoàn kiểm tra của Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai điều chỉnh tín hiệu đèn từ 2 pha lên 3 pha, thời gian mỗi nhịp đèn phải hợp lý, đặc biệt vào các giờ cao điểm ưu tiên hướng đường Đồng Khởi qua Amata và ngược lại. Tại khu vực cầu vượt ngã tư Vũng Tàu, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai đã nghiêm túc bổ sung biển báo chỉ hướng đi vào cảng Đồng Nai và hướng thành phố Hồ Chí Minh tại vị trí mũi tàu ngay Trạm thu phí cầu Đồng Nai, đồng thời phân làn cụ thể để người điều khiển xe hai bánh khi dừng đèn đỏ ở dưới cầu vượt yên tâm hơn.

Có thể thấy, tình trạng kẹt xe ở thành phố Biên Hòa hiện nay vào giờ cao điểm là những khu vực như cầu Hóa An, ngã tư Vườn Mít, ngã tư Tân Phong, ngã tư Amata, vòng xoay Tam Hiệp, ngã tư Vũng Tàu và nhiều đoạn trên đường Bùi Văn Hòa. Tại khu vực ngã tư Tân Phong, sử dụng vừa vòng xoay kết hợp với đèn giao thông nhưng vẫn không hiệu quả. Theo ngành chức năng quản lý giao thông của tỉnh Đồng Nai, vòng xoay ở ngã tư Tân Phong, giao cắt giữa hai con đường chính của Thành phố là đường Đồng Khởi và đường Nguyễn Ái Quốc đã trở nên quá chật chội, trên thực tế, vòng xoay này chỉ điều tiết được lưu lượng xe ít, trong khi đó khu vực ngã tư Tân Phong hiện nay lượng xe đã quá đông, phải sử dụng đến đèn giao thông thì vòng xoay lại bị cản trở, do đó có ý kiến nên dỡ bỏ vòng xoay này.

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã lắp đặt đèn báo tín hiệu giao thông ở một số đoạn đường, mang hiệu quả tích cực hơn trong việc điều tiết giao thông. Đó là trên quốc lộ 1 đoạn qua phường Tân Biên, Tân Hòa, trên đường Đồng Khởi, đoạn qua phường Tân Hiệp... Nơi đây mặt đường hẹp, lưu lượng xe đông, xe qua lại từ những hẻm ngang cắt ngang qua đường lớn nên thường xuyên gây ra tình trạng rối loạn giao thông làm kẹt xe. Từ khi được lắp đặt hệ thống đèn giao thông tại những điểm giao này, giao thông đã có trật tự hơn, lượng xe đã được điều tiết hợp lý. Ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, để giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe và đảm bảo an toàn giao thông, thời gian qua, trên địa bàn thành phố Biên Hoà đã xây dựng một số cầu vượt, hầm chui. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm đang xảy ra ùn tắc giao thông, chính vì vậy, các ngành chức năng ở Đồng Nai đang nghiên cứu tiếp tục xây thêm một số cây cầu vượt ở những điểm thường xuyên ùn tắc.

Thành phố Biên Hoà cũng đầu tư xây dựng, mở rộng thêm những tuyến đường vành đai để giảm bớt lưu lượng xe đi lại trong nội ô thành phố, ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Biên Hòa cho biết, tới đây, Thành phố sẽ xây dựng đường Sông Cái thiết kế chạy dọc theo sông Đồng Nai qua 5 phường là Quyết Thắng, Thống Nhất, Tân Mai, Tam Hiệp và An Bình. Đường có chiều dài gần 4,6 km với lộ giới là 32 m. Dự kiến. tổng mức đầu tư cho tuyến đường này gần 3.300 tỷ đồng. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu đi lại, giảm ùn tắc giao thông thì đường ven sông Cái và đường Nguyễn Hữu Cảnh còn góp phần chỉnh trang đô thị của thành phố Biên Hoà.

Cùng với việc đầu tư, nâng cấp mở rộng các công trình giao thông trên địa bàn thành phố Biên Hoà, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường xe đưa rước công nhân đi làm, từ đó, sẽ giảm được một số lượng lớn xe máy lưu thông trên đường, nhất là vào giờ cao điểm. Các ngành chức năng như giao thông, công an, các phương tiện truyền thông…tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến với mọi người, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, giảm ùn tắc ở những khu vực trọng điểm.

Lực lượng chức năng như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông của thành phố Biên Hoà, cũng như tỉnh Đồng Nai cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm trật tự an toàn giao thông, có như vậy, tình trạng ùn tắc giao thông ở Thành phố này mới giảm thiểu, góp phần làm cho bộ mặt đuờng phố của Biên Hoà thông thoáng, đảm bảo trật tự, an toàn cho người tham gia giao thông./…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực