Bức tranh văn hóa Khmer đa sắc màu

Chủ nhật, 11/08/2019 18:56
ĐCSVN - Trải nghiệm văn hóa dân tộc Khmer, mỗi người đều dễ dàng cảm nhận được những nét đặc sắc qua kiến trúc những ngôi chùa Khmer xây cất theo lối kiến trúc chùa chiền Phật giáo nguyên thủy, những lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc… Tất cả tổng hòa tạo lên chỉnh thể vẻ đẹp văn hóa người Khmer.

Theo số liệu thống kê, người Khmer ở Việt Nam có khoảng hơn 1,3 triệu người, sống tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ở các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ… Cộng đồng Khmer có ngôn ngữ và chữ viết riêng, có kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, có nền sân khấu truyền thống như Dù kê, Dì kê, một nền âm nhạc vừa có nguồn gốc Ấn Ðộ, vừa có nguồn gốc Ðông Nam Á.

Người Khmer có kho tàng truyện cổ phong phú như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười. Đặc biệt, sân khấu truyền thống (Dù kê, Dì kê) độc đáo. Âm nhạc ảnh hưởng của Ấn Ðộ và Ðông Nam Á.  Nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được đánh giá là di sản đặc sắc của văn hoá Khmer. Trong các ngôi chùa Khmer, tượng Ðức Phật Thích Ca được tôn thờ, chiếm vị trí trung tâm khu chính điện, tồn tại một hệ thống linh thần, linh thú - những dấu ấn của Bà La Môn giáo và tín ngưỡng dân gian.

Theo các nhà nghiên cứu, khu vực Nam Bộ hiện có khoảng 600 ngôi chùa Khmer lớn, nhỏ với khoảng hơn 10.000 sư tăng, trong đó có những ngôi chùa được xây dựng cách đây vài thế kỉ, được công nhận là di tích văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia như: chùa Âng, chùa Mẹt, chùa Hang, chùa Dơi... Chùa và sinh hoạt Phật giáo có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và xã hội, là nơi tu tập, truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống. Những ngày tháng học chữ ở chùa giúp các thanh niên Khmer học viết và phát âm chuẩn ngôn ngữ Khmer và Pali. Ngoài ra, các tăng sinh, học sinh còn được học về Phật pháp, hiểu biết thêm những điều hay lẽ phải, góp phần gìn giữ và phát triển chữ viết, tiếng nói, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer. Đồng thời góp phần vào sự phong phú, đa dạng của bức tranh văn hóa đa sắc màu cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Đa phần người Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa nên ngôi chùa là nơi thiêng liêng và quan trọng nhất.

Cổng và tường rào bao quanh ngôi chùa được trang trí bằng các hình tượng nghệ thuật kể về sự tích Đức Phật, do các nghệ nhân Khmer thực hiện.

Trong không gian chính điện chùa Khmer bài trí nhiều họa tiết tinh tế với bệ
thờ hình một tòa sen để thờ đức Phật bên trên. Tượng Phật Thích Ca được chạm khắc
hài hòa với không gian nội điện, thể hiện sự đa dạng, phong phú về ý nghĩa đạo đức
và vẻ đẹp của Đức Phật.

Giới thiệu một sinh hoạt tôn giáo của người Khmer trong chánh điện chùa Khmer
tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây – Hà Nội.

Đời sống văn hóa, tinh thần đồng bào Khmer sinh động, với nhiều lễ hội mang
đậm dấu ấn văn hóa riêng và gắn bó mật thiết với đời sống tín ngưỡng. Một năm,
đồng bào có chừng mười lễ hội, trong đó có các lễ hội chính:
Lễ Đôn-ta, Tết Chol Chnam Thmay, Lễ cúng Trăng - Ok Om Bok.

Tết Chôl Chnăm Thmây - Tết vào năm mới của đồng bào Khmer, tổ chức
hàng năm vào các ngày 13, 14, 15 tháng 4 đây là dịp vui chơi, giải trí thắt chặt
tình đoàn kết trong cộng đồng người Khmer.


Nghi thức tắm Phật trong Tết Chôl Chnăm Thmây có ý nghĩa gột rửa những điều không may mắn năm cũ để sang năm mới mọi sự được như ý.

Hàng năm, lễ Dâng Y Kathina được tổ chức tại nơi có các chư tăng an cư trở thành một hoạt động tôn nghiêm, thể hiện tinh thần "Tôn sư, trọng đạo" của người Khmer.


Các thanh niên Khmer trong không gian lễ Dâng Y Kathina, tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em.


Múa dân gian trong lễ hội truyền thống người Khmer.


Một số hình tượng dân gian phản ánh tín ngưỡng của người Khmer.

Cộng đồng Khmer có một cuộc sống vui tươi, đa sắc màu với nhiều hoạt động văn hóa, giải trí sinh động góp phần vào dòng chảy văn hóa đậm đà bản sắc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.


Hội đua bò Bảy Núi là một nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer, thu hút không chỉ cư dân vùng Bảy Núi, An Giang, mà còn lan tỏa đến các tỉnh thành khác.

Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer rất sinh động mang đậm dấu ấn văn hóa riêng, góp phần tạo lên chỉnh thể cho vẻ đẹp văn hóa của bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

.
N. Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực