Cát Cát – vẻ đẹp truyền thống trong ngôi làng cổ

Thứ ba, 23/02/2021 00:44
(ĐCSVN) - Bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, giữa thung lũng bốn bề bao bọc núi đá. Đây là điểm du lịch cộng đồng lý tưởng với mỗi du khách khi muốn tìm hiểu và khám phá đời sống, văn hóa và con người vùng cao Tây Bắc.

Cát Cát - bản làng của người H’Mông, hình thành từ giữa thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp đã chọn nơi đây làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức trong chính quyền thuộc địa.  Cát Cát là tên một thác nước đẹp ở bản do người Pháp đặt, vì vậy, bản gọi là Cát Cát. Sức hấp dẫn ở đây là khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình cùng nền văn hóa truyền thống đặc sắc của người H’Mông. Nơi đây,  hiện còn bảo tồn được nhiều phong tục, tập quán lâu đời độc đáo, trong đó có “tục kéo vợ”, lễ hội Gầu Tào tổ chức vào dịp đầu xuân, một lễ hội lớn phản ánh đậm nét đời sống tín ngưỡng của người H’Mông. Ngoài sinh sống bằng canh tác nông nghiệp, người H’Mông ở Cát Cát còn phát triển các nghề thủ công truyền thống như trồng lanh dệt vải, đan lát dụng cụ sinh hoạt, chạm trổ bạc và rèn nông cụ.

Để phát triển tiềm năng, lợi thế, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều chương trình du lịch đặc sắc như: “Ngày hội văn hóa bản Mông Cát Cát”, du lịch trải nghiệm “Một ngày làm nông dân người Mông” hay “Một ngày làm cô dâu người Mông”…Tham gia những chương trình này, du khách có dịp tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hoá phong phú của người dân địa phương qua các điệu múa cổ truyền, lời ca giao duyên mượt mà, sâu lắng; xem các nghệ nhân cao tuổi chạm khắc bạc, dệt vải lanh, thêu thổ cẩm, rèn dao cuốc; cùng dân bản thi bắn nỏ, kéo co, thi đi cầu tre qua suối hay các trò chơi dân gian khác.

 Bản Cát Cát của người H’Mông có khoảng 80 hộ dân hầu hết nằm dọc theo con đường giữa bản, một số nằm rải rác trên các sườn núi.
 Cổng vào bản  du lịch Cát Cát.
 Ấn tượng với mỗi du khách khi tới Cát Cát đó là những bậc thang đá ghép dẫn tới trung tâm bản, nơi hội tụ ba dòng suối ngày đêm chảy rì rào là suối Vàng, suối Bạc và suối Tiên Sa (thác Cát Cát) chảy ầm ầm, tung bọt trắng xoá.
 Bản có rất nhiều cửa hàng cho thuê quần áo dân tộc cũng những phụ kiện đi kèm như ô che nắng, khăn, vòng bạc của đồng bào dân tộc nơi đây.
Các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch được bán rất nhiều ở bản. 
 Các Cát có nhiều ngôi nhà xây dựa vào sườn núi, các nóc nhà chỉ cách nhau vài chục mét. Đó là những căn nhà ba gian có vì kèo ba cột ngang được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông, mái lợp ván gỗ pơ mu, vách bằng gỗ xẻ.
 Những ngôi nhà cổ có cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính chỉ mở khi nhà có công việc lớn như đám cưới, tang ma hay lễ Tết. Trong nhà có gian thờ, sàn gác dự trữ lương thực, bếp, nơi ngủ và nơi tiếp khách.
 Những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ tinh xảo được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây không chỉ đem lại sức sống cho bản làng mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người H’Mông đã bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ.
 Trang phục truyền thống được bảo tồn và khai thác tạo một điểm nhấn độc đáo, thu hút du khách tới Cát Cát.
 Không ít người tới bản lưu giữ cho mình những hình ảnh đẹp trong không gian văn hóa của người H'Mông. 
 Những chiếc chăn, khăn, vải thổ cẩm, trang phục rực rỡ với họa tiết lạ mắt là một điểm cuốn hút khách du lịch gần xa.
 Với lợi thế một bản vùng cao Tây Bắc, hoạt động du lịch cộng đồng phát triển đang góp phần cải thiện đáng kể đời sống cho người dân địa phương, đồng thời đem lại cho Cát Cát một diện mạo mới nhưng không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống.
N. Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực