Đàn Chapi của người Raglai

Thứ sáu, 24/09/2021 09:33
(ĐCSVN) – Trên vùng đất Ninh Thuận, dãy Chơ Prông hùng vĩ ngàn đời, suối Ma Nhôi, Tà Nôi hiền hòa buông dòng. Nơi đây, người Raglai sống quần tụ lâu đời với nhiều dòng họ Pi Năng, Tu inb, Pa tâu, Ka tơr, Kaya... Mỗi dòng họ mang một sự tích, một truyền thuyết riêng về nguồn gốc, nhưng ai cũng có cây đàn Chapi. Thanh âm Chapi rung lên lúc khoan, lúc nhặt, lúc buông lơi đong đầy tình cảm của người Raglai.
 Trong các nghi lễ của người Raglai thường người giàu có mã la để đánh, thì Chapi là nhạc cụ mô phỏng thanh âm của bộ mã la và “người nghèo cũng có", để lúc vui, lúc buồn đều có thể chơi được đàn.
Nghệ nhân Ka Tơr Đôi, dân tộc Raglai (xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) cho biết: Để có nhạc cụ dân gian này, người làm mất khoảng hai khắc giờ chế tác là có một cây đàn Chapi. Còn chơi hay, chơi dở là ở tâm tình người chơi đàn, như người Ba Na chơi đàn K’long Put, hay người J’lai chơi đàn Goong vậy. 
 Ðàn Chapi chỉ là ống tre gai già, hoặc bương có đường kính khoảng 8 - 10 cm, được phơi khô trên gác bếp trong thời gian khoảng bốn, năm tháng rồi sử dụng làm đàn. Tre sấy càng khô kiệt, sẽ cho âm thanh càng hay, khi dùng tránh bị mối mọt.
 Công đoạn đầu tiên làm đàn Chapi là róc vỏ tre. Khi róc phải để đúng chiều ống tre, có 4 khoang được người làm róc vỏ.
 Mỗi cây đàn Chapi có 8 dây đàn, mỗi dây để cách nhau khoảng 2 cm.
Sự độc đáo của những cây đàn Chapi ở chỗ, những sợi dây đàn là những sợi tre. Đây cũng là phần chế tác khó nhất để làm ra cây đàn của người Raglai. 
Để chế tác dây đàn Chapi người nghệ nhân phải tỉ mỉ, khéo léo tách vỏ tre có độ dầy vừa phải, rồi mài nhẵn, vừa làm vừa thẩm âm, sao cho sợi dây đàn có thanh âm hay nhất. 
 Cây đàn Chapi có 4 lỗ tương ứng với 4 phím đàn, vị trí lỗ đàn nằm ở giữa thân tre, có hai lỗ ở hai đầu để âm thanh thoát ra ngoài.
 Chốt tre nhỏ đặt ở hai đầu dây để dây đàn cao hơn thân đàn, hai đầu mắt tre khoét thủng để tạo thanh âm cho đàn Chapi.
 Những sợi dây đàn được tạo tác trên thân đàn Chapi...
 ...và cuối cùng là công đoạn cân chỉnh âm sao cho tiếng đàn có hồn.
 Cây đàn Chapi của những con người  dân dã Raglai, nhưng đi cùng đó là tấm lòng rộng mở, phóng khoáng mang ước mơ nhân văn “ai cũng được nghe tiếng Chapi”, được nghe những cung trầm lúc khoan nhặt, lúc buông lơi ở miền đất Ninh Thuận hanh hao, nhiều nắng gió.
Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực