Di sản kiến trúc đền tháp Chăm

Thứ bảy, 21/09/2024 12:02
(ĐCSVN) - Di sản kiến trúc đền tháp Chăm không chỉ là biểu tượng tôn giáo của người Chăm, còn là kho báu văn hóa vật thể, phi vật thể vô giá, đang lưu giữ và truyền tải những giá trị trường tồn qua thời gian, giúp làm giàu thêm bản sắc và sự đa dạng văn hóa của nền văn hóa Việt Nam.

Đền tháp Chăm một trong những tinh hoa kiến trúc tôn giáo đặc sắc ở vùng đất Nam Trung Bộ, kiệt tác nghệ thuật này gắn liền với chiều dài lịch sử và nền văn hóa Việt Nam. Với hình dáng vươn cao, đền tháp Chăm được xây dựng chủ yếu từ gạch nung đỏ, một vật liệu xây dựng đơn giản nhưng qua đôi tay tài hoa, sức sáng tạo của các nghệ nhân và những người thợ Chăm, chúng đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật tinh tế, giàu bản sắc dân tộc.

Từng viên gạch của tháp Chăm, đỏ rực dưới ánh mặt trời, minh chứng cho tài năng xây dựng và chạm khắc tinh xảo của người Chăm. Đền Tháp in đậm dấu ấn của Ấn Độ giáo, với các họa tiết điêu khắc phức tạp mô tả các vị thần linh, cảnh thần thoại, và biểu tượng thiên nhiên, tạo nên sự kết nối giữa con người và vũ trụ. Mỗi ngọn tháp vươn cao như một ngọn đuốc sáng, tôn vinh tinh thần bất diệt của nền văn hóa cổ xưa.

Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) quần thể kiến trúc Tháp Chăm là công trình kiến trúc tâm linh nổi bật trong không gian văn hóa “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em. Các nghệ nhân, thợ lành nghề của dân tộc Chăm đã giúp du khách thăm quan Thủ đô Hà Nội, có dịp chiêm ngưỡng, tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc, văn hóa, tôn giáo, đời sống tín ngưỡng của dân tộc Chăm. Chúng là biểu tượng của sự hòa quyện giữa văn hóa tôn giáo và nghệ thuật kiến trúc, đóng góp không nhỏ vào sự đa dạng văn hóa của dân tộc Việt Nam.

 Đền tháp Chăm mang ý nghĩa đặc trưng là nơi thờ cúng thần linh của đồng bào Chăm, một phần quan trọng trong đời sống tín ngưỡng người Chăm.
Trong nền văn hóa Chăm, đạo Bà-la-môn và đạo Phật là hai tôn giáo chính, được tôn thờ trong các ngôi đền tháp. Các vị thần Hindu như Shiva, Vishnu, và Brahma thường xuất hiện trong các nghi lễ tôn giáo và được khắc họa tinh xảo trên các bức phù điêu, miêu tả sức mạnh và quyền năng của các vị thần.
 Những nghi thức tế lễ được tổ chức quanh đền tháp không chỉ nhằm cầu mong sự bảo hộ từ các vị thần, mà còn là dịp để cộng đồng người Chăm kết nối và duy trì mối quan hệ giữa con người với thế giới thiêng liêng.
 Đồng bào Chăm, tỉnh Ninh Thuận hòa mình với không gian văn hóa, tín ngưỡng bên đền tháp cổ.

Kiến trúc tháp Chăm có sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật xây dựng, điêu khắc và đời sống tín ngưỡng, giúp làm giàu thêm bản sắc văn hóa của vùng đất Nam Trung Bộ.

 Nền văn hóa Chăm không chỉ lưu dấu đậm nét ở các công trình kiến trúc hay nghi thức tôn giáo, nó còn phản ánh sinh động qua các giá trị tinh thần, âm nhạc, vũ điệu và lễ hội.
 Những vũ điệu truyền thống người Chăm thường được biểu diễn quanh các ngôi đền tháp, thể hiện sự tôn kính với các vị thần, dịp để cộng đồng người Chăm duy trì và lan tỏa vẻ đẹp văn hóa dân tộc mình.
 Một đặc trưng nổi bật ở các đền tháp Chăm đó là nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc có sự hòa quyện tinh tế giữa con người và thiên nhiên, các nghệ nhân Chăm đã khéo léo tạo nên những công trình kiến trúc vừa mạnh mẽ vừa thanh thoát, như thể vươn lên từ lòng đất và chạm tới bầu trời.
 Mỗi tháp Chăm có hình dáng vút cao và cấu trúc chồng tầng, tượng trưng cho sự kết nối giữa trần gian và cõi linh thiêng. Tháp được xây dựng chủ yếu từ gạch nung đỏ, các tháp Chăm toát lên vẻ đẹp cổ kính đầy sức sống, như thể chúng là một phần tự nhiên của cảnh quan xung quanh.
Công trình kiến trúc này in đậm dấu ấn của Ấn Độ giáo, trên tháp được chạm khắc các họa tiết tinh xảo, từ những hoa văn hình lá, hoa sen, đến các hình tượng thần linh, truyền thuyết, đều phản ánh tinh thần tôn giáo và triết lý sâu sắc của Ấn Độ giáo. 
 Những chi tiết chạm khắc trên tháp mang đậm dấu ấn của nghệ thuật điêu khắc cổ, diễn tả những hình ảnh về các vị thần Hindu, các linh vật thiêng liêng như Garuda, rồng và các vũ nữ Apsara.
 Đỉnh tháp vươn lên trời cao biểu tượng của khát vọng vượt qua giới hạn vật chất, còn mang trong mình thông điệp về sự hòa hợp giữa đất và trời, giữa con người và vũ trụ.
 Nghi thức tế lễ bên đền tháp.

Qua thời gian, những đền tháp Chăm đã trở thành những kiệt tác kiến trúc sống động, giúp các dân tộc anh em khác hiểu hơn về nền văn hóa Chăm đậm đà bản sắc. Những giá trị này mãi trường tồn, tiếp tục khẳng định vị thế và sự phong phú của di sản văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.

N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực