Chủ nhật, 07/01/2018 18:45 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Việc giữ gìn mái tóc của người phụ nữ Mông Hoa toát lên ý thức tộc người; tính nhẫn nại cần cù trong lao động sản xuất, và một phương pháp dạy dỗ con cái giản dị, bình thường mà hiệu quả.
Búi tóc của người phụ nữ Mông Hoa được quan tâm ngay khi còn nhỏ. Những bà mẹ người Mông Hoa mỗi khi chải tóc cho các cô con gái họ đều chú ý lượm lặt và giữ lại những sợi tóc rụng của con mình. Những sợi tóc đó được người mẹ cất vào một chỗ, khi được khá nhiều sợi tóc rụng cùng với sự lớn dần lên của những cô con gái thì người mẹ lại đem ra trau chuốt, xe lại thành những sợi to.
Lớn dần lên, các cô gái Mông Hoa ý thức được việc làm của người mẹ và biết nhặt những sợi tóc rụng của mình mỗi khi chải tóc hoặc gội đầu. Không chỉ làm đẹp, mái tóc người Mông Hoa còn là một phần của văn hoá tộc người, gắn với tình mẫu tử và có ý nghĩa giáo dục rất lớn.
Ngoài tình cảm người mẹ dành cho con gái, việc làm nhẫn nại của người mẹ đã tác động rất lớn đến nhân cách con cái về sự chăm chỉ, khéo léo mà người phụ nữ Mông Hoa cần có.
Điều gây ấn tượng đặc biệt ở những cô gái Mông Hoa là vành tóc rất to và nặng trên đầu.
Trong các dịp lễ hội bản làng, hay những ngày Tết cổ truyền, các cô gái Mông Hoa lấy búi tóc độn cùng với tóc thật và tạo thành một vành tóc to trên đầu.
Mái tóc luôn gắn với trang phục truyền thống lâu đời của cô gái Mông Hoa.
Qua mái tóc có thể phân biệt được họ thuộc nhóm Mông Hoa, Mông Đen hay Mông Trắng.
Phụ nữ Mông Hoa có quan niệm, búi tóc càng to thì càng đẹp, càng tăng thêm sự duyên dáng, cũng như thể hiện niềm tự hào về sự kế thừa gia đình và dòng họ của mình.
Việc giữ gìn mái tóc của người phụ nữ Mông Hoa toát lên ý thức tộc người; tính nhẫn nại cần cù trong lao động sản xuất, và một phương pháp dạy dỗ con cái giản dị, bình thường mà hiệu quả.
Thế Dương