Gốm mộc Phổ Khánh

Thứ ba, 21/11/2023 18:58
(ĐCSVN) – Gốm Phổ Khánh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) in đậm dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh. Một đặc trưng nổi bật của văn hóa Sa Huỳnh là nghệ thuật chế tác gốm của người tiền sử, phản ánh đậm nét về nền văn hóa cư dân vùng duyên hải Việt Nam từ hậu kỳ đá mới đến thời đại sắt sớm.

 

Kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã phát hiện hàng trăm hiện vật gồm nhiều chủng loại, chất liệu khác nhau, ở nhiều thời kỳ tại Quảng Ngãi. Các di chỉ này là minh chứng thuyết phục về cư dân tiền sử từng chế tác gốm tại đây, Phổ Khánh là một trong những vùng làm gốm cổ in đậm dấu ấn của nền văn hóa Sa Huỳnh.

Thời hưng thịnh làng gốm Phổ Khánh từng có trên 300 hộ dân làm nghề, do sức ép của thị trường, làng gốm có tuổi đời trên 300 năm nay còn khoảng 10 hộ làm nghề, tập trung tại các thôn Vĩnh An, thôn Trung Sơn. Điều đó đặt ra những vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đất nước trong giai đoạn mới của các ngành văn hóa tỉnh Quảng Ngãi.

Để cùng gìn giữ và lan tỏa một vốn văn hóa quý của dân tộc đang lưu giữ tại địa phương, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần làm tốt công tác hỗ trợ, vận động người dân gìn giữ nghề gốm cổ truyền; xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gốm Phổ Khánh; sáng tạo các sản phẩm gốm mới đáp ứng nhu cầu thị hiếu thị trường. Để “di sản không chết” có vai trò quan trọng của chính quyền địa phương.

 Bà Đặng Thị Mỹ, có thâm niên hơn 40 năm làm nghề gốm, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh cho biết, đất sử dụng làm gốm Phổ Khánh là loại đất sét vàng, đất sét xanh đem về phơi thật khô rồi đập, sàng lấy đất mịn, nhào nặn, tạo hình sau đó phơi khô rồi đem nung.
 Người thợ gốm pha trộn nguyên liệu đất sét theo tỷ lệ 2 đất xanh, 8 đất vàng rồi nhào nặn, chuốt đất đều để chế tác ra sản phẩm.
 Dụng cụ làm gốm thủ công của người thợ gốm Phổ Khánh.

 

 Để có được sản phẩm bền đẹp, người thợ gốm thận trọng trong từng công đoạn.

 

Kỹ thuật dùng bàn xoay tạo hình gốm Phổ Khánh.
Mỗi ngày, người thợ gốm lành nghề có thể chuốt được khoảng 70 sản phẩm.

 

 Khi chuốt xong, gốm được mang phơi để có độ rắn, trắng, đẹp rồi mới chất vào lò nung.
 Gốm Phổ Khánh hoàn toàn là gốm mộc, không sử dụng một loại nước men nào. Để có mẻ gốm đạt chất lượng, người thợ phải biết cách xem lửa và dừng đúng lúc, thông thường, thời gian nung sẽ kéo dài từ 14 đến 24 tiếng.
Đặc trưng dòng gốm cổ ở đây là sự thô phác, mộc mạc, mang đậm nét phong cách mỹ thuật dân gian. 
 Sau thời gian dài nhiều lò gốm ở Phổ Khánh không đỏ lửa, vài năm nay, gốm mộc Phổ Khánh đã bắt đầu hồi sinh, sản phẩm gốm làm ra tiêu thụ được ở nhiều tỉnh, thành.

 

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực