Hơn 40 năm giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi dân gian

Thứ năm, 08/09/2022 20:55
(ĐCSVN) – Sau hơn 4 thập kỷ với nhiều thăng trầm giữ nghề, bà Đặng Hương Giang là một trong số ít những nghệ nhân còn lưu được giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi dân gian, để Tết Trung thu của Hà Nội thêm đậm đà sắc mầu truyền thống.
 Giữa ồn ào phố thị, căn nhà nhỏ gia đình bà Lan như một địa chỉ văn hóa lưu giữ tuổi thơ của nhiều người dân Hà Nội.
 Đã hơn 40 năm tại số nhà 73 phố Hàng Than (Ba Đình - Hà Nội), hằng ngày những chiếc mặt nạ giấy bồi vẫn được đều đặn làm ra ở đây.
 Mặt nạ giấy bồi từng là món đồ chơi yêu thích của trẻ em Hà thành. Vài thập kỷ trở về trước, nhiều hộ gia đình ở Hà Nội làm mặt nạ giấy bồi để chơi dịp Tết Trung thu. Khi đồ chơi công nghiệp lấn lướt đồ chơi truyền thống, nghề xưa mai một, nhưng đến nay họ vẫn là những nghệ nhân còn gắn bó và gìn giữ nghề xưa.
 Mặt nạ giấy bồi ở nhà bà Lan làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công, tỉ mỉ và hết sức cẩn thận.
 Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi phải trải qua khá nhiều công đoạn như chọn giấy trắng, xé giấy ra từng miếng nhỏ, dán giấy lên khuôn. Sau lớp giấy đến lớp thứ hai là lớp bìa, lớp thứ ba, thứ tư là lớp giấy học sinh tùy theo độ dày mỏng của mặt nạ.
 Nghệ nhân bôi hồ rồi dán giấy vào những chiếc khuôn xi măng đúc sẵn tạo khuôn mặt nạ. Mỗi chiếc mặt nạ như thế này làm mất khoảng từ 5 - 10 phút.
Theo bà Lan, mỗi dáng mặt nạ sẽ có một khuôn riêng. Hiện tại, gia đình bà có hơn 30 chiếc khuôn mặt nạ khác nhau, phần lớn là khuôn gia truyền, có một số khuôn là ông bà tự sáng tạo ra hoặc chế tác theo yêu cầu của các bạn nhỏ. 
Việc trang trí mặt nạ giấy bồi cũng rất công phu, phải vẽ bằng sơn, sau đó để lớp sơn này khô, mới tiếp tục tô lớp sơn khác lên để tránh bị nhòe. 
 Để mỗi chiếc mặt nạ được đều và đẹp, quá trình tô màu phải chia ra từng công đoạn nhỏ, tô từng màu riêng, mỗi màu lại phải tô đi tô lại nhiều lần với sự tỉ mỉ, cẩn trọng mới thể hiện được thần thái của mặt nạ nhân vật.
 Mẫu mã của gia đình bà đa dạng với nhiều nhân vật dân gian như ông Địa, bà Địa, Chí Phèo, Thị Nở, mặt nạ hình trâu, ngựa, hổ,...
 Mỗi dịp đón Tết Trung thu cổ truyền, trên các tuyến phố cổ Hà Nội như Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can bày bán nhiều nhiều đồ chơi dân gian, trong đó có sự góp mặt không nhỏ các sản phẩm thủ công của gia đình nghệ nhân.
Mỗi mùa Trung thu, gia đình bà Lan sản xuất được trên 2.000 chiếc mặt nạ các loại. Giá thành của mặt nạ thành phẩm vào khoảng 40.000 đồng/chiếc mặt nạ sói, hổ, lợn... và 100.000 đồng/ chiếc mặt nạ ông Địa, bà Địa...tùy vào từng loại, kích cỡ, màu sắc. 
Hiện nhiều người tìm đến nhà bà để đặt mua mặt nạ dịp lễ tết. Các trường học, khu vui chơi giải trí cũng tới đặt hàng để giáo dục thế hệ trẻ về những nét đẹp của Tết cổ truyền. Đây cũng là địa chỉ văn hóa để giới thiệu với các đoàn du khách quốc tế khi tham quan Hà Nội, hay điểm đến của các tour du lịch nội địa giới thiệu văn hóa Hà Nội với du khách trong và ngoài nước. 










 

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực