Lễ cấp sắc - Một nghi lễ dân gian đã được lưu truyền từ ngàn đời nay trong cộng đồng người Dao đỏ, thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo tín ngưỡng, nam giới người Dao đỏ nếu chưa được cấp sắc thì dù sống tới già vẫn bị coi là chưa trưởng thành và sẽ không được tham gia vào các công việc hệ trọng. Người đã được cấp sắc dù là trẻ con vẫn được tham gia vào các nghi lễ quan trọng của gia đình hay cộng đồng. Họ quan niệm, chỉ có người đã thụ lễ mới có đủ tâm, đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương - tổ tiên của người Dao.
Hằng năm, Lễ cấp sắc được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng, ngày làm lễ gia chủ phải chọn ngày lành, tháng tốt, chọn số người tham gia và chọn thầy cúng kỹ càng. Cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên là cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc thứ 2 là cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Mỗi bậc đều có sự khác biệt, theo các nghi lễ thể hiện những ý nghĩa lịch sử, văn hóa nhất định.
Người Dao đỏ có thể tổ chức cấp sắc cho một đợt tối đa 13 người (nếu ít hơn phải theo số lẻ) và ở nhà trưởng họ.
Lễ cấp sắc là một nghi lễ in đậm bản sắc văn hóa của người Dao.
Những người phụ nữ Dao có chồng làm lễ cấp sắc, luôn phải trùm kín đầu trong chiếc mũ đỏ.
Chẩu chiếu (thầy cúng), người đảm nhận vai trò dẫn dắt và thực hiện các nghi thức chính trong Lễ.
Các vị thần của Bàn Vương, hình tượng trong tín ngưỡng người Dao đỏ.
Lễ cấp sắc có 2 phần lễ chính là lễ quá tăng (qua đèn) gồm các phần: Trình diện, cấp đèn, hạ đèn, đặt pháp danh, qua cầu. Phần lễ tẩu Slai (lễ thăng cấp) gồm: lễ lên đèn, ban mũ, lễ trình diện Ngọc Hoàng, lễ tơ hồng, lễ thăm thiên đình.
Các thanh niên Dao đỏ trong nghi thức đặt pháp danh.
Nghi thức thụ đèn.
Các thầy cúng thực hiện nghi thức xin thần linh cho người được cấp sắc mạnh khỏe và trưởng thành, tại Ma Đài.
Lễ cấp sắc mang giá trị nhân văn, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu.
Bên cạnh các nghi thức, trong không gian Lễ cấp sắc còn tổng hòa nhiều loại hình nghệ thuật dân gian biểu đạt các mục đích tôn giáo, tín ngưỡng thông qua âm nhạc, thánh ca, diễn xướng, nhảy múa, trình diễn, lễ nghi, các điệu múa dân gian…phản ánh các chủ đề về lịch sử, văn hóa, tạo nên một sinh hoạt cộng đồng vui tươi, thu hút sự tham gia sôi nổi người dân các bản làng.
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ là một nét đẹp văn hóa của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục về truyền thống, giúp con người nhận thức đúng đắn về bản thân, về cách sống có nhân cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình, xã hội. Qua đó, nghi lễ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc./.