Những gam màu dân gian đa sắc Nhật Bản

Chủ nhật, 20/06/2021 14:50
(ĐCSVN) - Từ những vật liệu cây cỏ thiên nhiên, với nghệ thuật nhuộm dân gian lâu đời, các nghệ nhân Nhật Bản đã tạo ra những gam màu đa sắc trên vải, lưu dấu một nét đẹp văn hoá truyền thống của đất nước mặt trời mọc.

Theo nghiên cứu, nghệ thuật nhuộm thủ công Nhật Bản rất đa dạng với nhiều kỹ thuật lưu truyền, nhiều phương pháp nhuộm xuất hiện vào thế kỷ thứ 8. Trong số các phương pháp nhuộm dân gian lâu đời có phương pháp Shibori - tạo hình theo kiểu cuốn, vải được quấn chéo trên một cây gỗ hình trụ, sau đó buộc chặt vải bằng chỉ dày hoặc dây thừng bản nhỏ, quấn quanh ống từ đầu này sang đầu kia. Sau khi nhuộm, mảnh vải sẽ có những mảng màu hình sọc, trông như những hạt mưa lớn rơi xuống.

Một phương pháp khác là Kumo - nhuộm kết hợp giữa xoắn và cột, người nghệ nhân sử dụng các vật rắn dạng cầu như đá, sỏi để tạo họa tiết. Người ta dùng vải bọc lại những viên đá, rồi cột  tất cả những phần vải đó lại với nhau. Sau khi nhuộm, sẽ có những đốm tròn lớn nhỏ khác nhau, nhìn rất bắt mắt. Hay phương pháp Itajime - sử dụng kỹ thuật gấp vải và dùng 2 thanh gỗ để kẹp chặt phần vải đó. Những phần được kẹp và cột dây thun sẽ không cho mực đi qua, và ta có được những khoảng trắng theo hình dạng tương ứng.

Ngày nay mặc dù ngành công nghiệp may mặc đã đạt đến đỉnh cao, nhưng cách nhuộm vải thủ công này vẫn được nhiều người yêu thích vì chúng đại diện cho nghệ thuật của sự sáng tạo. Trong một số hoạt động giao lưu, tìm hiểu văn hoá Nhật Bản, tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của các nghệ nhân Nhật Bản. Nghệ thuật nhuộm màu dân gian được giới thiệu, giúp người dân Thủ đô có dịp hiểu biết hơn về nền văn hoá truyền thống đa dạng giàu bản sắc của Nhật Bản.

 Khán giả Việt Nam tiếp cận, tìm hiểu và thực hành nghệ thuật nhuộm Kusaki-zome.
 Theo nghệ nhân Tarumi Michico:“Nhật Bản có khí hậu ôn đới và thảm thực vật  phong phú. Vì thế, nhiều loại thực vật đều có thể dùng làm nguyên liệu cho thuốc nhuộm. Đó cũng là lý do mà văn hóa nhuộm vải và nhuộm màu phát triển mạnh tại Nhật Bản.
Với những nguyên liệu tươi (hoa, rễ cây, thân cây…), người thợ nhuộm sử dụng khối lượng nặng gấp ba lần cân nặng của lượng vải định nhuộm. Với nguyên liệu khô, khối lượng sử dụng bằng một nửa hoặc tương đương cân nặng của lượng vải định nhuộm. 
Các loại thuốc cắn màu bao gồm: thuốc cắn màu có chứa nhôm (phèn phi hoặc phèn chua sống), thuốc cắn màu có chứa đồng (đồng sunphat hoặc đồng axetat), thuốc cắn màu có chứa sắt (sắt axetat). 
 Để thực hiện nhuộm màu Kusaki-zome người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như: tẩy vải, tạo hoa văn, nhuộm cơ bản, cắn màu (Bai - sen), kỹ thuật phơi vải...
Mảnh vải trước khi nhuộm tạo các nút thắt, kết hợp kỹ thuật nhuộm sẽ tạo ra các trên vải sau khi nhuộm (những chỗ thắt nút sẽ có màu khác so với những phần còn lại). 
 Vải được nhúng, đảo liên tục trong thuốc nhuộm khoảng 15 phút.
 Sau đó, nhúng vào thuốc cắn màu khoảng 15 phút. Số lần lặp lại hai công đoạn này tùy thuộc vào độ đậm nhạt của vải sau khi nhuộm mà người thực hiện muốn.
 Xử lý vải nhuộm bằng nước sạch.
 Tiếp đó vải nhuộm được giữ trong khăn tạo độ thấm thấu màu và độ mềm mại trước khi phơi.
Phương pháp nhuộm màu Kusaki-zome thủ công, người nghệ nhân Nhật Bản có thể tạo ra nhiều mẫu hoa văn hay nhiều màu sắc phong phú. 
 Một mẫu hoa văn được tạo ra từ kỹ thuật nhuộm truyền thống.
 Một số sản phẩm vải và trang phục Nhật Bản được làm từ phương pháp nhộm thủ công.
 Những gam màu dân gian Nhật Bản đa sắc làm từ phương pháp nhuộm Kusaki-zome truyền thống.
N Quyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực