Phong tục nhớ về tổ tiên của người Lô Lô

Thứ tư, 13/10/2021 02:20
(ĐCSVN) - Sinh sống lâu đời trên vùng đất Hà Giang, đồng bào dân tộc Lô Lô hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hoá truyền thống đa dạng, đặc sắc, trong đó phong tục thờ cúng tổ tiên là một nghi lễ độc đáo trong hệ thống các phong tục, nghi lễ cổ truyền, nó phản ánh sinh động bản sắc văn hoá của đồng bào Lô Lô nơi vùng đất địa đầu Tổ quốc.

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô ở xã Lũng Cú (Đồng Văn - Hà Giang) là di sản văn hoá phi vật thể thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2012. Hiện hàng năm, Lễ cúng tổ tiên được người Lô Lô duy trì và thực hành đều đặn theo truyền thống.

Trong đời sống, tín ngưỡng, mỗi gia đình Lô Lô đều có ban thờ tổ tiên riêng, nhưng Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô thường được tổ chức tại nhà trưởng họ (thầu chư) và được dòng họ chuẩn bị trước cả năm, một hoạt động có sự hưởng ứng, tham dự của cộng đồng, làng, bản. Theo lệ thường, khi làm lễ, trưởng họ sẽ là người đứng ra sắm sửa lễ vật, các gia đình trong dòng họ đóng góp theo khả năng.

Theo phong tục của người Lô Lô, khi gia đình có người chết từ 3 đến 4 năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên, lập bài vị thờ cúng và rước hồn lên ban thờ. Người Lô Lô cho rằng, tổ tiên là những người thuộc các thế hệ trước, đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: tổ tiên gần (duỳ khế) - các ông tổ 3 đến 4 đời và tổ tiên xa (pờ xi) - những ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở đi.

Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt dân gian thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô, có ý nghĩa giáo dục hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ giúp giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự kết nối cộng đồng trong dòng họ, gia đình, làng bản… nghi lễ linh thiêng này, ẩn chứa và phô diễn nghệ thuật dân gian các nghi thức cổ truyền của người Lô Lô, đồng thời góp phần cho bức tranh văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc anh em thêm đa dạng và ling linh sắc mầu.

 Nghi lễ cổ truyền của người Lô Lô thường được tổ chức hàng năm vào ngày 14 tháng 7 (Âm lịch) tại các gia đình trưởng họ.
 Đồng bào dân tộc Lô Lô trang trọng chuẩn bị vật phẩm lễ cho sự kiện quan trọng của cộng đồng.
Khi dòng họ làm lễ, trưởng họ phải trực tiếp đi mời thầy Lễ, là người am hiểu luật tục, có vai trò dẫn dắt điều hành buổi Lễ. Đồng thời, cử một người đàn ông trong họ đi mượn trống đồng về để làm lễ. 
 Trống đồng là bảo vật linh thiêng của cộng đồng, luôn có đôi, trống cái (giảnh đú) là chiếc trống to, còn trống đực (giảnh kê) là chiếc trống nhỏ hơn. Đôi trống chỉ được đem ra đánh khi có lễ hội lớn trong cộng đồng hay dòng tộc.
 Những người Lô Lô hóa trang thành Ma cỏ (Ghà Lu Ngang) trong nghi lễ truyền thống.
 Đồng bào Lô Lô quan niệm, Ma cỏ là nguồn cội của tổ tiên xưa ở trên rừng, lấy cây cỏ làm quần áo, nên ngày nay khi làm lễ, muốn tổ tiên về được thì phải có Ma cỏ là người dẫn đường, là cầu nối giữa con cháu trên trần gian với tổ tiên, người chết mới được dẫn đường chỉ lối về nhận tổ tiên ở thế giới bên kia.
 Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô gồm 3 phần chính: Lễ hiến tế, Lễ tưởng nhớ và Lễ tiễn đưa tổ tiên.
 Trong Lễ hiến tế diễn ra nghi thức báo cáo, mời tổ tiên về dự lễ và hưởng lễ vật do con cháu dâng lên. Họ dâng tổ tiên con lợn và bò - tượng trưng cho dâng thức ăn và những con vật để tổ tiên nuôi ở cõi vĩnh hằng.
 Khi màn đêm buông xuống, Lễ tiễn đưa tổ tiên được bắt đầu trong tiếng trống đồng, bên đống lửa lớn bập bùng, thầy Lễ thưa với tổ tiên về việc con cháu dâng lễ vật phẩm, tiền, vàng để tiễn đưa tổ tiên trở về trời và hãy phù trợ con cháu ở trần gian, tổ tiên hãy yên tâm ở cõi vĩnh hằng.
 Trong nghi Lễ cổ truyền, nhờ niềm tin tâm linh và lòng nhiệt tình mà người Lô Lô cùng đoàn nghi lễ...
 ...múa suốt một ngày lễ theo nhịp trống đồng vẫn nhịp nhàng, dẻo dai, không hề thấy mệt mỏi.
 Lễ vật sau khi hiến tế tổ tiên được chế biến thành các món ăn và chia đều để cảm ơn những người đã giúp dòng họ làm lễ, như thầy cúng, người hoá trang Ma cỏ, đầu bếp, người đánh trống đồng, người cho mượn trống đồng…
 và mời mọi người đến dự lễ cùng ăn cơm, uống rượu chung vui và nhảy múa, hát vang những bài ca truyền thống của dân tộc mình.
Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực