Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) là sự kiện thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức hàng năm, nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer còn gọi là Tết vào năm mới, tổ chức hàng năm vào các ngày 13, 14, 15 tháng 4 (năm nhuận tổ chức vào ngày 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch). Tết của người Khmer thực hiện vào tháng Chét hoặc Pisak theo lịch Khmer, cũng là dịp nông nhàn, rảnh rỗi trong năm, là dịp vui chơi, đi lại hỏi thăm nhau để thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Khmer.
Để tiến hành Lễ, người Khmer dọn dẹp bàn thờ phật, tổ tiên, dọn nhà cửa sạch sẽ, mặc trang phục truyền thống và sắm sửa các vật phẩm: hoa, bánh trái, đèn để cúng dường, tiếp đón các vị tiên và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng.
Trong ngày thứ nhất (ngày vào nhà mới), người dân mang nhang đèn lễ vật, đi đến chùa để dâng lễ các vị sư và được nghe các vị chúc tụng năm mới. Bàn thờ được sắp xếp các vật phẩm theo đúng nghi thức, do ông Achar (chủ lễ) thực hiện.
Tượng thần Mara Prưm - Biểu tượng tín ngưỡng của người Khmer.
Nghi thức rước thần Kapila quanh chính điện 3 vòng để làm lễ mừng năm mới. Sau đó làm lễ Tam Bảo cùng các Chư Tăng tụng kinh Cầu an năm mới thực hiện trong Chánh điện.
Lễ Tam Bảo trong Chánh điện chùa Khmer.
Ngày thứ hai diễn ra lễ Thngay Von-boch, người dân dâng cát sạch lên các vị sư và đắp thành nhiều ngọn núi nhỏ biểu tượng cho trung tâm vũ trụ. Tục đắp núi cát có ý nghĩa ngăn trở điều xấu, nhắc nhở mọi người tích phúc, đức ngày một cao lớn như núi và lan dần khắp bốn phương, tám hướng.
Hình tượng ngôi tháp goijlaf Chôlàmani chêđây trong nghi thức văn hóa.
Ngày thứ ba gọi là Thngay Lơnsăk (ngày thêm tuổi), ngày chính của Tết, với ý nghĩa bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn Đức Phật, chúc mừng cha mẹ ông bà, dâng bánh trái các nhà sự để tạ ơn.
Nghi thức tắm tượng phật bằng nước ướp hương, gột rửa những điều không may mắn năm cũ để sang năm mới mọi sự được như ý.
Hoạt động đón Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ phản ánh tín ngưỡng đậm bản sắc của người Khmer nói riêng mà còn thể hiện sự đa dạng văn hóa trong bức tranh văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.