Tết mừng tiếng sấm còn gọi là Tết Chăm Phtrong, một nghi lễ nông nghiệp quan trọng bậc nhất của đồng bào Ơ Đu để mừng tiếng sấm đầu tiên trong năm mới. Hoạt động cũng là một điểm nhấn trong chương trình "Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc vùng Bắc Trung Bộ" diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây – Hà Nội), nhân dịp chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.
Ơ Đu là một trong 5 dân tộc ít người nhất của Việt Nam (Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Ơ Đu). Dân số tộc người Ơ Đu khoảng hơn 376 người (theo tổng điều tra dân số năm 2009 của Tổng cục Thống kê). Trước đây, đồng bào sống độc lập, ít giao du với các dân tộc bên ngoài, chủ yếu chỉ giao du với người Thái, Khơ Mú khi có nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa. Dân tộc Ơ Đu có nền văn hóa đậm bản sắc dân tộc với ngôn ngữ, chữ viết, trang phục và những phong tục, tập quán riêng.
Tuy nhiên, những biến cố trong lịch sử, sự tác động mặt trái kinh tế thị trường và sự thay đổi của môi trường, việc sống xen kẽ với các cộng đồng dân tộc khác nên phong tục người Ơ Đu đang bị mai một dần. Tết mừng tiếng sấm là một trong những lễ hội ít ỏi còn lưu giữ, hiện còn một số người già trong bản biết nói tiếng Ơ Đu và truyền dạy lại cho thế hệ sau.
Đời sống đồng bào khá lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên, do vậy nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng. Tết mừng tiếng sấm đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thẩm thấu phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc dân tộc Ơ Đu. Những giá trị đó cùng góp phần cho bức tranh văn hóa Cộng đồng 54 dân tộc anh em thêm rực rỡ sắc màu.
Kiến trúc nhà truyền thống của dân tộc Ơ Đu tại "Ngôi nhà chung" 54 dân tộc anh em.Để tiến hành nghi lễ nông nghiệp quan trọng nhất trong năm, đồng bào thành kính, trang trọng chuẩn bị các vật phẩm cần thiết cho buổi Lễ. Đồng bào có quan niệm một năm mới bắt đầu bằng mốc nghe tiếng sấm đầu tiên, vào khoảng từ tháng 2 đến đầu tháng 4, báo hiệu cho một mùa gieo trồng mới.
Sau khi chọn giờ tốt (theo truyền thống là phải có tiếng sấm đầu tiên), chủ lễ Lô Văn Cường, bản Vang Môn, xã Nga My (Tương Dương – Nghệ An) sẽ thực hiện những nghi thức lễ trước sự chứng kiến của bà con dân tộc Ơ Đu.
Chủ lễ đọc lời khấn cầu thần sấm đem đến nguồn nước cho bà con sinh sống và trồng trọt, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh và may mắn.
Những điệu hú gọi sấm, gọi mưa cất lên mời gọi các vị giàng về chứng kiến nghi lễ của dân làng. Nghi lễ dân gian có sự tham gia của đông đảo cộng đồng.
Sau phần khấn, thày lễ ăn một ít đồ ăn và uống một chút rượu, kết thúc phần nghi lễ quan trọng. Sau phần Lễ là phần Hội, chủ thể lễ hội cùng khách tham dự cùng thưởng thức rượu cần, lễ vật và hòa mình
theo những giai điệu truyền thống người Ơ Đu…
… không gian náo nhiệt trong âm thanh rộn rã, vui tươi của cồng chiêng, trống và những nhạc cụ
được làm từ ống nứa.
Những âm thanh nguyên sơ của núi rừng, gợi đưa người xem về một không gian săn bắn, không gian làm rẫy,
giữ làng, giữ đất của tộc người Ơ Đu.
Tết Chăm Phtrong kéo dài từ 5 - 7 ngày cho đến khi mọi thủ tục cúng lễ thần sấm trong bản làng hoàn tất Du khách trải nghiệm văn hóa của đồng bào Ơ Đu với những nghi lễ nguyên sơ, nghệ thuật ẩm thực, diễn xướng truyền thống đậm bản sắc dân tộc Ơ Đu.