Thác Mây (Thanh Hóa) - Một vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng

Thứ tư, 03/05/2023 11:58
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Với vẻ đẹp như một kiệt tác do thiên nhiên ban tặng, những dòng nước trong xanh, mát lạnh cùng cảnh quan mơ mộng và hấp dẫn, những năm qua thác Mây (xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá) đang dần trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút hàng vạn du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Vẻ đẹp như một kiệt tác do thiên nhiên ban tặng, những dòng nước trong xanh, mát lạnh cùng cảnh quan mơ mộng và hấp dẫn của thác Mây. 

Thác Mây cách thành phố Thanh Hóa khoảng 100 km về phía Tây Bắc, cách đường mòn Hồ Chí Minh chỉ hơn 10km. Bao quanh thác Mây là khu rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là nơi sinh sống của những loài động vật quý hiếm với môi trường sống đa dạng giúp điều hòa hệ sinh thái. Thác có độ cao khoảng 100m, được tạo thành từ những bậc thang từ dưới lên trên bằng những phiến đá màu vàng, kết hợp với dòng nước trong, trắng xóa không chỉ tạo nên vẻ đẹp rất riêng, mà còn giúp du khách dễ dàng lên thác để khám phá.

Xung quanh khu vực thác Mây, đồng bào dân tộc Mường ở đây quần cư đã nhiều đời. Chính vì thế, bà con nơi đây còn lưu giữ được quần thể hàng trăm ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường. Trong đó, một số nhà sàn có tuổi đời lên đến hơn 200 năm. Đồng bào dân tộc Mường ở đây vẫn còn lưu giữ đầy đủ các nét văn hóa bản địa là “cơm đồ, nước vác, nhà gác, lợn thui”… cùng nhiều nét sinh hoạt đậm đà bản sắc như: đánh cồng chiêng, hát giao duyên, hát sắc bùa, đánh mảng, đánh đu, tung còn...

Cùng với đó là nhiều món ăn truyền thống đặc sắc như: xôi nếp nương, gà đồi, thịt trâu lá lồm, cá thính sông Ngang, thịt lợn Mường, canh lá đắng, ốc đá, măng đắng… Ngoài ra, đến với danh thắng thác Mây, du khách còn có thể mua cho mình những đồ kỷ niệm mang đặc trưng của dân tộc Mường như: khăn, túi bằng thổ cẩm, ớt chua, đũa bương, ốc đá, cua đá, thuốc lá nam của đồng bào.

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, ngày 01/10/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số về việc công nhận điểm du lịch thác Mây, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, thác Mây là điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa kết nối với các khu, điểm du lịch trong vùng, hình thành các tour du lịch trải nghiệm du lịch mang đặc trưng của Thanh Hóa. Từ thác Mây, du khách có thể đi tham quan các điểm đến khác của huyện Thạch Thành theo đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 217B, Quốc lộ 45, như: hang Con Moong, đình Mường Đòn, suối nước nóng Vó Ấm, thác Đẹn, Di tích thắng cảnh Phố Cát, thác Voi, chùa Cảnh Yên, chiến khu Ngọc Trạo... Đồng thời kết nối với những khu, điểm du lịch trong tỉnh như Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) và các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An...

Với vẻ đẹp hoang sơ, trữ tình cùng hệ sinh thái phong phú đa dạng, xanh mát quanh năm, thác Mây đang là điểm hẹn hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Những năm gần đây, mỗi năm thác Mây đón được trên 50.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm (riêng năm 2022 đã thu hút trên 115.000 lượt khách mang lại doanh thu gần 100 tỷ đồng).

Phát huy tiềm năng sẵn có, mới đây, ngày 24/4, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch gắn với khai trương du lịch Thác Mây năm 2023, thu hút đông đảo các đại biểu, nhân dân, du khách trong và ngoài huyện về tham dự.

Ngày hội được tổ chức nhiều hoạt động nổi bật như: liên hoan văn nghệ, trình diễn trang phục truyền thống; thi đấu các môn thể thao như bóng chuyền nam, kéo co, đẩy gậy, đánh mảng; các hoạt động trò chơi dân gian như đánh đu, tung còn, bịt mắt đập niêu; giao lưu văn hóa, ẩm thực, tổ chức gian hàng giới thiệu, trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của xã Thạch Lâm và các địa phương trong huyện...

Với vẻ đẹp nguyên sơ còn được lưu giữ, cùng sự quan tâm đầu tư ngày càng bài bản, thác Mây đang dần trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút hàng vạn du khách tới tham quan, trải nghiệm thú vị với văn hóa, đời sống của đồng bào dân tộc Mường xứ Thanh…

Một số hình ảnh của Thác Mây mùa lễ hội:

Thác Mây cách thành phố Thanh Hóa khoảng 100 km về phía Tây Bắc, cách đường mòn Hồ Chí Minh chỉ hơn 10km 
Thác Mây còn được người dân ở xã Thạch Lâm (huyện Thạch Thành, 
tỉnh Thanh Hóa) gọi là "Thác chín bậc tình yêu". 
Thác có độ cao khoảng 100m, được tạo thành từ những bậc thang từ dưới lên trên bằng những phiến đá màu vàng, kết hợp với dòng nước trong tạo nên vẻ đẹp rất riêng. 
Thác Mây với vẻ đẹp hoang sơ, trữ tình cùng hệ sinh thái phong phú đa dạng, xanh mát quanh năm.

Thác Mây đang dần trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút hàng vạn du khách tới tham quan, trải nghiệm thú vị với văn hóa, đời sống của đồng bào dân tộc Mường xứ Thanh.

Xung quanh khu vực thác Mây, đồng bào dân tộc Mường còn lưu giữ được quần thể hàng trăm ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường.
Trong đó, một số nhà sàn có tuổi đời lên đến hơn 200 năm. Đồng bào dân tộc Mường ở đây vẫn còn lưu giữ đầy đủ các nét văn hóa bản địa là “cơm đồ, nước vác, nhà gác, lợn thui”... 
 Thác Mây là điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa kết nối với các khu, điểm du lịch trong vùng, hình thành các tour du lịch trải nghiệm du lịch mang đặc trưng của Thanh Hóa.
 Đến với Thác Mây, du khách không chỉ được ngắm cảnh đẹp tự nhiên, hoang sơ mà du khách có thể tham gia những hoạt động và thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của người Mường nơi đây.
Đông đảo đại biểu và Nhân dân về tham dự khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch gắn với khai trương du lịch Thác Mây năm 2023.
Quách Phúc (Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thạch Thành)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực