Trải nghiệm không gian Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên

Chủ nhật, 14/07/2024 21:24
(ĐCSVN) - Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại thành phố Thái Nguyên là không gian hội tụ, lưu giữ những tư liệu về lịch sử, bản sắc văn hóa, là “Mái nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có địa chỉ tại số 1 Đội Cấn, Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), được thành lập vào năm 1960 với tên gọi ban đầu là Bảo tàng Việt Bắc, đến năm 1990 đổi tên thành Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Với diện tích gần 40.000m2, đây là công trình hội tụ, lưu giữ, trưng bày và giới thiệu những tư liệu quan trọng về lịch sử, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình kiến trúc đợt I, năm 2006.

Trong đó, các dân tộc anh em tại các khu vực như vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ… được tái hiện qua gần 50.000 hiện vật trong không gian bảo tàng. Trong đó, bản sắc văn hóa về phong tục, tập quán lao động, sản xuất, các nghi lễ, lễ hội, trang phục, ẩm thực, kiến trúc, nghề thủ công… được tái hiện sinh động qua hệ thống tư liệu, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Dừng chân tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, du khách sẽ lần lượt thăm quan, trải nghiệm các không gian trưng bày văn hóa của cộng đồng các dân tộc chia theo khu vực. Từ đó, có một cái nhìn sâu sắc và tổng quan nhất về sự đa dạng, phong phú, đa sắc màu của bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hằng năm, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại thành phố Thái Nguyên đón hàng chục ngàn lượt du khách là người dân, học sinh, sinh viên đến thăm quan, tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, nghiên cứu./.

  Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam tại thành phố Thái Nguyên là "Mái nhà chung" của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 
 
  Phía chính giữa cửa vào là tượng Bác Hồ và bức phù điêu cỡ lớn cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 
 Gian đầu tiên là không gian tổng hoà văn hoá các dân tộc Việt Nam được trưng bày dưới nhiều hình thức như tranh, ảnh, hiện vật.... 
  Kế tiếp là không gian văn hoá, sinh hoạt, lao động, tập quán của dân tộc Kinh khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ. 
 Cạnh đó, có gian trưng bày đá của các quần đảo ở Việt Nam. 
 
Ở không gian ngoài trời trong khuôn viên bảo tàng, trưng bày, giới thiệu bản sắc văn hoá, kiến trúc các dân tộc vùng Tây Nguyên như nhà rông, cồng chiêng, nhà mồ....   
  Phía cuối khuôn viên còn có nét độc đáo kiến trúc, văn hoá của vùng Nam Bộ. 
  Song song với nhà chính của bảo tàng, phía bên phải của không gian ngoài trời là kiến trúc, văn hoá đồng bào Chăm, Khơ - Me. 
Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên còn là nơi tổ chức các hoạt động trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ, giao lưu văn hoá giữa các cơ quan, đơn vị, các địa phương trong vùng và cả nước.  
 Và là không gian lý tưởng cho các hoạt động trải nghiệm, trưng bày về văn hoá, văn học, nghệ thuật. 

Tin và ảnh: Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực