Trưng bày trên 200 hình ảnh, hiện vật về Hội nghị Paris
Thứ ba, 10/01/2023 22:33 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Hiệp định Paris năm 1973 về Việt Nam là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris (27/1/1973 – 27/1/2023), trên 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris được giới thiệu tới công chúng tại Hà Nội.
Các tài liệu, hiện vật đang được trưng bày trong Triển lãm "Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử", tại số 34 Phan Kế Bính (Ba Đình - Hà Nội). Hiệp định tại Paris kéo dài từ ngày 13/5/1968 - 27/1/1973, trải qua gần 5 năm với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam. Ngày 27/1/1973, Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết.
Sự kiện chính trị đặc biệt này được tái hiện qua Triển lãm "Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử". Trên 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày được lưu trữ tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, III; Lưu trữ Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, Lưu trữ Nga, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Davis và một số nhân chứng của Hội nghị...
Đánh giá về Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Triển lãm cung cấp cho các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà ngoại giao cái nhìn toàn diện, chân thực về bối cảnh, quá trình diễn ra Hội nghị Paris. giúp công chúng tham quan triển lãm khắc ghi và tự hào về sự lãnh đạo của Đảng, về truyền thống vẻ vang của dân tộc và thắng lợi của Việt Nam trong quá trình giành độc lập, thống nhất đất nước.
|
Cắt băng khai mạc Triển lãm tài liệu lưu trữ "Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử", tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, 34 Phan Kế Bính (Ba Đình - Hà Nội). |
|
Đồng chí Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tới dự và thăm quan Triển lãm. |
|
Triển lãm "Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử" gồm 3 nhóm nội dung: Tiến trình đàm phán Paris; Hội nghị Paris - cuộc đàm phán quyết liệt; Hiệp định Paris là một mốc son trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Các nhóm nội dung giới thiệu về quá trình đàm phán hiệp định Paris thời gian từ năm 1968 đến 1973. |
|
Các tài liệu hiện vật tái hiện quá trình đàm phán 4 bên, thời gian từ 25/1/1969 - tháng 1/1973, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đàm phán kiên quyết để đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút quân khỏi Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. |
|
Phần nội dung giới thiệu các tư liệu, hiện vật , từ ngày 13/5 – 31/10/1968 về quá trình đàm phán giữa 2 bên, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh từ ngày 31/10/1968 và chấp nhận việc triệu tập hội nghị 4 bên với sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. |
|
Trong số các tư liệu, hiện vật Triển lãm công chúng có dịp gặp lại nhiều dấu ấn lịch sử lưu giữ trong những ảnh tư liệu do các nhà báo quốc tế và của Việt Nam ghi lại ở những thời khắc trọng đại. |
|
Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố thông qua Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, ngày 23/1/1973. |
|
Bộ trưởng Ngoại giao chính quyền Sài Gòn Trần Văn Lắm ký Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27/1/1973. |
|
Henry A. Kissinger và Lê Đức Thọ bắt tay sau khi ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam, năm 1973. |
|
Con dấu của đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam Ban Liên hợp khu phi Quân sự; con dấu của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (ảnh phải). |
|
Một bức ảnh giới thiệu tại Triển lãm. |
|
Phần trưng bày các tư liệu, hiện vật của bạn bè quốc tế với nhiều tư liệu, hiện vật cho thấy tình cảm tốt đẹp của những người yêu chuộng hòa bình và bạn bè quốc tế dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do đất nước. |
|
Triển lãm Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử là hoạt động giàu ý nghĩa, góp phần phát huy giá trị, nâng cao hiệu quả sử dụng các tài liệu lưu trữ về Hiệp định Paris. Qua đó, giúp công chúng nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc đấu tranh của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta trên con đường đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. |
N.Dương