Tuồng cổ - vốn quý của sân khấu dân gian Việt Nam

Thứ bảy, 08/05/2021 15:04
(ĐCSVN) – Những tác phẩm tuồng cổ, những trích đoạn tuồng mẫu mực đang là những vốn văn hoá quý của sân khấu dân gian Việt Nam, giúp truyền tải sức sống của nghệ thuật tuồng cổ đến mỗi tâm hồn người Việt.

Hát tuồng (hát Bội) xuất hiện vào thế kỷ thứ XII đời nhà Trần một loại hình sân khấu cung đình dành cho cung vua, phủ chúa. Theo các tài liệu về cung đình Huế, môn nghệ thuật dân gian này phát triển cực thịnh vào thời vua Tự Đức (1848 - 1883). Ở thời kỳ phát triển, trong các lễ hội lớn ở các làng xã hầu như đều tổ chức diễn tuồng. Những đêm hát tuồng ở sân đình, từ quan viên, chức sắc cho đến dân chúng không ai không đắm mình thưởng thức bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc vang lên trong tiếng trống chầu rộn rã.

Sau này loại hình nghệ thuật dân gian này phát triển mạnh về phía Nam, ngày càng càng bén rễ trong đời sống, xã hội với những đặc trưng cởi mở, mạnh mẽ, màu sắc, vui tươi hơn. Nghệ thuật tuồng dần hoàn chỉnh từ kịch bản văn học đến nghệ thuật trình diễn. Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, tuồng cổ có ba dòng  chính gồm tuồng cung đình, tuồng sĩ phu yêu nước, tuồng dân gian. Loại tuồng có tuồng thầy, tuồng ngự, tuồng cung đình, tuồng pho, tuồng đồ, tuồng tân thời.

Sau năm 1945, những biến động về lịch sử, cùng sự đổi thay trong đời sống, xã hội khiến tuồng dần mất đi vị thế trên sân khấu truyền thống, nhất là khi các loại hình nghệ thuật phương Tây du nhập vào Việt Nam. Sau một thời gian dài sân khấu tuồng vắng bóng người xem. Những năm gần đây, sự quan tâm của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, gìn giữ những tinh hoa của các bậc tiền nhân, đang giúp nghệ thuật tuồng cổ đến gần hơn với công chúng, lấy lại vị thế trong lòng người yêu sân khấu truyền thống.

 Trong dịp diễn ra các lễ hội truyền thống ở làng, xã hay những vùng quê, hát tuồng lại có dịp phô diễn những nét độc đáo của nghệ thuật sân khấu dân gian.
 Nội dung trong các vở tuồng thể hiện tính dân tộc sâu sắc, mang âm hưởng hùng tráng, đề cao những tấm gương tận trung báo quốc hay những bài học về ứng xử giữa người với người…
 Người diễn viên Tuồng sử dụng vũ đạo (múa), hệ thống nói lối, bài bản, làn điệu (hát) là hai phương tiện chính để lột tả tính cách, tâm trạng của nhân vật.
 Loại văn nghệ trình diễn hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian lâu đời của Việt Nam.
 Đặc trưng nổi bật của dòng nghệ thuật sân khấu dân gian là nghệ thuật vũ đạo kết hợp ngôn ngữ hình để diễn đạt nội dung vở diễn.
 Nghệ thuật hóa trang trong hát tuồng đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ. Diễn viên phải bỏ công sức học hỏi để tự trang điểm, vẽ mặt nạ cho chính mình.
 Chân dung một võ tướng: nền da mặt màu đỏ, Vòng trắng đứng quanh mắt, gắn với hình tượng những người anh hùng trung trinh tiết liệt.
 Mặt xanh lục, hay trắng nhợt lại diễn tả người không chung thủy, mưu mô.
 Điệu bộ của võ tướng thể hiện tâm trạng cương quyết và nhiệt huyết một lòng vì giang sơn xã tắc.
 Trong nghệ thuật hát tuồng, đạo cụ diễn thường là: kiếm, đao, thương, cờ, quạt, roi ngựa, phất trần...
 Bên cạnh đó, "tiếng trống chầu" - cầu nối gữa diễn viên và khán giả là một phần không thể thiếu. Mỗi âm thanh từ trống chầu đều có quy tắc tượng trưng cho sự khen, chê, thưởng, phạt đối với tiếng ca hoặc vũ đạo.
 Để tuồng cổ có sức sống bền lâu, sự chung tay bảo tồn, phát huy của các nhà khoa học, nghệ sĩ, nghệ nhân; các chính sách đãi ngộ với nghệ nhân, diễn viên tuồng dân gian là điều kiện thiết thực để nghệ thuật dân gian này tiếp tục lan tỏa trong đời sống, xã hội.
N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực