Ký kết chương trình hợp tác về phát triển du lịch giữa doanh nghiệp TP. HCM và doanh nghiệp Bạc Liêu.
Nhiều kết quả tích cực
Bạc Liêu là một tỉnh giàu tiềm năng, thế mạnh và từng bước phát triển. Nắm bắt yếu tố này, một số doanh nghiệp từ TP. HCM đã đầu tư vào Bạc Liêu và hoạt động sản xuất, kinh doanh không ngừng phát triển. Điển hình như Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu (trực thuộc Liên hiệp các Hợp tác xã (HTX) thương mại TP. HCM - SaiGon Co.op) đầu tư và đưa vào hoạt động từ tháng 12/2011. Đến nay, siêu thị không ngừng mở rộng quy mô và trở thành trung tâm mua sắm hàng đầu tại Bạc Liêu. Theo ông Nguyễn Hồng Ân, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu: “Năm 2016, siêu thị đạt tổng doanh thu 210 tỷ đồng và nộp ngân sách gần 5 tỷ đồng. Đồng thời giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho gần 200 lao động của địa phương”.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực thương mại như: Siêu thị Vinatex; Công ty Minh Thắng (xây dựng chợ A Bạc Liêu, chợ đầu mối tiêu thụ hàng nông sản Cầu Xáng); Siêu thị Điện máy Chợ Lớn; Siêu thị Điện máy xanh…
Ngoài ra, thông qua chương trình hợp tác, Bạc Liêu cũng đã tham gia vào một số hoạt động xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tại TP. HCM như: Tuần lễ ĐBSCL; Vinh danh các doanh nghiệp; Hội chợ Quốc tế nông nghiệp công nghệ cao Hitech Agro 2012; phối hợp với Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) của TP. HCM tổ chức 8 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn…
Tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác
Qua hơn 7 năm thực hiện chương trình hợp tác, có một thực tế phải thừa nhận rằng, ngoài lĩnh vực đầu tư phát triển hệ thống thương mại, thì các lĩnh vực khác gần như chưa có gì! Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh vẫn chưa được khai thác đúng mức, nhất là lĩnh vực hợp tác trong sản xuất nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Cụ thể, trong liên kết hỗ trợ bao tiêu hàng nông - thủy sản, từ khi ký kết chương trình hợp tác với TP. HCM, Bạc Liêu đã gửi Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM giới thiệu 27 sản phẩm nông - lâm - thủy sản tiêu biểu được sản xuất từ 22 cơ sở, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Bạc Liêu chỉ ký được một hợp đồng bao tiêu sản phẩm chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học với Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ tại TP. HCM, và công ty này đã bao tiêu được 3.000 con vịt (!?). Trong khi đó, Bạc Liêu có rất nhiều mặt hàng nông - thủy sản thế mạnh khác cần được các thành phố lớn hỗ trợ đầu ra như: rau cải, cá biển, cá đồng, tôm, cua…
Hay trong phát triển du lịch, TP. HCM là nơi tập trung nhiều công ty lữ hành, nếu làm tốt công tác phối hợp sẽ góp phần quan trọng cho Bạc Liêu phát triển và khai thác có hiệu quả các thế mạnh về du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội. Hoặc trong quản lý đô thị, nếu có sự liên kết chặt chẽ hơn, chắc chắn Bạc Liêu sẽ học tập được nhiều bài học kinh nghiệm ở TP. HCM từ công tác quản lý, khai thác các lợi thế của kinh tế đô thị và hướng đến xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại…
Ông Trần Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Có thể nói, chương trình phối hợp giữa Bạc Liêu và TP. HCM chưa phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có. Chỉ riêng lĩnh vực thương mại, Bạc Liêu có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa lớn, nhất là mặt hàng nông - thủy sản, nhưng đến nay phần lớn các doanh nghiệp vẫn "tự bơi" và thị trường tự điều tiết, chứ chưa có một chương trình hợp tác nào giữa các cơ quan quản lý nhà nước đứng ra giúp doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm”.
Qua đó cho thấy, chương trình hợp tác giữa Bạc Liêu và TP. HCM chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Thậm chí, nhiều chương trình hợp tác giữa các sở, ngành còn mang tính “ngoại giao” hay giao lưu là chính.
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết toàn diện
Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, việc tổ chức, điều hành các chương trình hợp tác đã được ký kết còn lúng túng, chưa mang tính thường xuyên, liên tục; chậm tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả hợp tác để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để triển khai thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, dù cả hai địa phương đã có những hoạt động mang tính chủ động nhưng nhìn chung, sự liên kết hợp tác diễn ra còn chậm; một số hoạt động không có tính lâu dài, một số hoạt động còn đang dừng lại ở việc tìm hiểu, chờ triển khai hợp tác hoặc chưa triển khai hợp tác. Việc tạo dựng mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp phân phối và nông dân sản xuất trong việc nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao. Việc thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ TP. HCM trên lĩnh vực công nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt là chưa thu hút nhiều doanh nghiệp mới từ TP. HCM đầu tư các dự án vào các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sử dụng đầu vào là sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Dự án và vốn đăng ký đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp TP. HCM đầu tư tại Bạc Liêu còn ít, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm, không hiệu quả, phải dừng thực hiện như dự án đầu tư khu du lịch Vườn chim của Công ty Cổ phần đầu tư du lịch sinh thái Rồng Việt; dự án khu du lịch cụm nhà Công tử Bạc Liêu của Công ty Du lịch Saigontourist. Cùng với đó, việc liên kết giữa hai bên trong hoạt động du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; các tua du lịch của hai địa phương chưa được hình thành một cách rõ nét và chưa tạo được hình ảnh du lịch chung của hai địa phương…
Đã đến lúc Bạc Liêu và TP. HCM cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm chương trình hợp tác nhằm đưa ra các giải pháp, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, liên kết toàn diện và hiệu quả. Đây cũng là một trong những nhu cầu tất yếu cho hội nhập và cùng phát triển bền vững.