Bạc Liêu: Chăm lo người có công là việc nghĩa lớn phải làm

Thứ năm, 15/06/2017 17:48

 (ĐCSVN) - Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã được độc lập, tự do, người dân có điều kiện để mưu cầu hạnh phúc. Mặc dù chúng ta đã làm được nhiều điều, nhưng 42 năm sau chiến tranh, gia đình của những người làm nên đại thắng ấy vẫn còn đang phải sống trong cảnh nghèo nàn, cuộc sống còn khó khăn, rất cần sự chăm lo, giúp đỡ của chúng ta. Chăm lo người có công - đó là việc nghĩa lớn chúng ta phải làm.

Bà Trân Hồng Chiến, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bạc Liêu trao quà cho gia đình chính sách. Ảnh tinmientay.net

Đất nước ta trải qua hơn 100 năm chiến tranh chống lại hai đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới, với nhiều thế hệ người yêu nước đã đứng lên đánh đuổi ngoại xâm. Trong đó có hàng triệu đồng bào đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần thân thể vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Những hy sinh và công lao to lớn đó đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ.

Thể hiện lòng biết ơn đó, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ở Bạc Liêu đã có nhiều việc làm thiết thực để thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa này. Toàn tỉnh hiện có trên 65 ngàn người có công với nước. Số người đang hưởng chính sách trợ cấp ưu đãi thường xuyên hàng tháng trên 11 ngàn người, với số tiền trên 15 tỷ đồng/tháng. Tỉnh đã rà soát lại đối tượng bị địch bắt tù đày đã hưởng trợ cấp một lần lập hồ sơ chuyển sang hưởng trợ cấp hàng tháng cho 563 đối tượng, chế độ phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng 167 đối tượng. Từ năm 2006 - 2016, chi trả chế độ, chính sách cho trên 110 ngàn lượt đối tượng với số tiền trên 1.337 tỷ đồng; mức trợ cấp chuẩn đối tượng chính sách đã được điều chỉnh 09 lần, từ 470 ngàn đồng/tháng lên 1.318 ngàn đồng/tháng. Chính sách ưu đãi trong giáo dục, đào tạo được thực hiện đúng theo quy định, có trên 1,4 ngàn lượt người có công, thân nhân của đối tượng người có công được ưu đãi giáo dục, đào tạo, với số tiền trên 9,8 tỷ đồng. Có trên 750 lượt đối tượng thuộc gia đình liệt sĩ, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, được hưởng chính sách hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, với số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Chế độ chăm sóc sức khỏe các đối tượng người có công và thân nhân của các đối tượng được hưởng chế độ điều dưỡng tập trung hoặc điều dưỡng tại gia đình được gần 38,5 ngàn lượt đối tượng, với số tiền trên 37,6 tỷ đồng. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 236 ngàn lượt người có công với cách mạng và thân nhân người có công, với số tiền gần 83,4 tỷ đồng. Ngoài ra, các đối tượng chính sách hưởng trợ cấp ưu đãi người có công trong tỉnh còn được ưu tiên vay vốn để sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt; gia đình chính sách được xét miễn, giảm thuế nhà, đất, kinh doanh… Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp luôn xác định vai trò và tầm quan trọng của việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, xem công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công là một trong những nội dung quan trọng và thường xuyên chỉ đạo thực hiện đền ơn đáp nghĩa, nên đã công nhận cho hơn 15 ngàn lượt người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu nhằm giáo dục thế hệ con cháu phát huy truyền thống cách mạng. Mỗi năm, tỉnh chọn 5 đối tượng người có công tiêu biểu đề nghị Trung ương tặng Bằng khen. Công tác thanh tra và kiểm tra việc quản lý, chi trả trợ cấp và thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi người có công cũng được quan tâm chỉ đạo. Qua công tác kiểm tra, xác minh đã phát hiện và xử lý 08 trường hợp, đề nghị thu hồi trên 500 triệu đồng. Từ năm 2006 đến 2016, tỉnh đã vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa được trên 75 tỷ đồng, cùng với ngân sách địa phương và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, đã xây dựng và sửa chữa trên 4 ngàn căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công. Hằng năm, đều tổ chức các hoạt động ý nghĩa kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ, gắn liền với việc biểu dương những thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu toàn tỉnh; tổ chức chương trình “Thắp nến tri ân” các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và các đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ ở các địa phương; thực hiện việc hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho những hộ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở; thăm và tặng quà cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đang gặp khó khăn, bệnh tật, tổ chức đi tham quan, nghỉ dưỡng. Tỉnh hiện có 1.976 trường hợp được truy, phong tặng vinh danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (còn sống 164 Mẹ). Tất cả các Mẹ đều được các cơ quan, đơn vị, trường học nhận phụng dưỡng đến cuối đời, với mức phụng dưỡng 1 triệu đồng/tháng; cùng với mức trợ cấp hàng tháng, đảm bảo hầu hết các mẹ đều được chăm sóc khá chu đáo về vật chất lẫn tinh thần. Đồng thời Tỉnh ủy đã chỉ đạo vận động các cơ quan, đơn vị nhận hỗ trợ thương binh 1/4, 2/4 đời sống còn khó khăn với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Tu bổ Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh theo mô hình Nghĩa trang công viên, ốp đá hoa cương gần 4 ngàn ngôi mộ. Đặc biệt, vận động các doanh nghiệp, tổ chức tặng cây kiểng, kinh phí ốp đá mộ liệt sĩ, cắm hoa tất cả mộ anh hùng liệt sĩ. Tu bổ 03 Nghĩa trang liệt sĩ huyện và 34 Bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ tại các xã. Hằng năm, nhân các ngày tết, lễ lớn đều có tổ chức viếng, dâng hương tại tất cả Nghĩa trang liệt sĩ và Bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ.  Hàng năm, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 29 ngàn đối tượng chính sách đang hưởng trợ cấp hàng tháng, một lần, tạo điều kiện cho người có công được chăm sóc sức khỏe, khám và chữa bệnh kịp thời, đúng quy định. Nhìn chung, công tác chăm lo đời sống người có công được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện xuyên suốt, đồng bộ đến từng xã, phường, thị trấn. Với nhiều chương trình hành động thiết thực như: Chương trình xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa; phong trào nhận phụng dưỡng, chăm sóc các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, bố, mẹ liệt sĩ, thương binh già yếu, neo đơn; các chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển kinh tế và ổn định đời sống bằng nhiều hình thức khác nhau từ giới thiệu việc làm đến ưu tiên vay vốn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách. Đặc biệt, công tác xây dựng “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công” đã được cấp uỷ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quan tâm, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu nâng cao đời sống người có công. Đến nay, 100% hộ gia đình chính sách trong tỉnh có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.

Những hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” là nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc; góp phần quan trọng vào việc nâng cao tinh thần yêu nước thương nòi, tạo nên một nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa - xã hội; tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước là một việc nghĩa lớn. Tất cả chúng ta đang được hưởng độc lập, tự do là đang chịu ơn của các anh hùng liệt sĩ cho nên tất cả chúng ta phải có trách nhiệm thực hiện tốt việc nghĩa này bằng nhiều việc làm thật cụ thể, thiết thực, bằng tấm lòng đền ơn đáp nghĩa thật sự đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách./.

Lê Văn Dững
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực