Bị xóa thường trú, người dân xin mã định danh như thế nào?

Thứ sáu, 21/04/2023 09:29
(ĐCSVN) - Bạn đọc An Bình, tại địa chỉ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hỏi: Gia đình tôi đã cắt khẩu chuyển đi nhưng chưa đủ điều kiện nhập khẩu về nơi ở mới, muốn xin cấp số định danh để làm căn cước công dân (CCCD) thì cần phải làm gì?
Ảnh minh họa. 

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 59/2021/TT-BCA, ngày 15/5/2021 quy định về thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau:

Điều 5. Thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

1. Số Căn cước công dân, số định danh cá nhân đã có trong Giấy khai sinh là số định danh cá nhân của công dân; các trường hợp công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân, Giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì sử dụng thông tin về số Căn cước công dân, số định danh cá nhân trong Giấy khai sinh và các thông tin trên thẻ Căn cước công dân, Giấy khai sinh để tiến hành các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Khi công dân có yêu cầu được thông báo về số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân hoặc người đại diện hợp pháp của công dân yêu cầu Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo.

3. Mẫu Thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) được in trực tiếp từ hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công dân sử dụng Thông báo này để chứng minh nội dung thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Do đó, để được cấp số định danh làm CCCD gắn chíp bạn phải đăng ký thường trú (nhập khẩu) trở lại. Nếu bạn có chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó. Trong trường hợp bạn không có chỗ ở hợp pháp của mình thì bạn có thể tham khảo cách sau:

Trao đổi với người thân để đăng ký thường trú vào đó. Theo khoản 2, Điều 20 Luật Cư trú 2020 (Luật số: 68/2020/QH14, ngày 13/11/2020) quy định công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú

2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;

c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

Ngoài ra, theo khoản 3, Điều 20, Luật Cư trú 2020 thì bạn có thể được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;

b) Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/người.

Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực