|
Hình ảnh sử dụng bóng cười. Ảnh TL |
Bóng cười dù chỉ mới du nhập vào Việt Nam không lâu nhưng nó đã trở thành một trào lưu được giới trẻ yêu thích thậm chí coi nó như một thú vui mỗi khi đi hộp đêm. Vậy nếu bóng cười là gì, nó có phải là chất cấm hay không quy định hiện hành của Việt Nam đối với vấn đề này như thế nào sẽ được nêu rõ cụ thể dưới đây.
Bóng cười là khí gây cười, tên hóa học là Đinitơ monoxit hay nitrous oxide, là hợp chất hóa học với công thức hóa học là N2O, có vị ngọt, không màu. Khi bơm vào bóng bay, gọi là bóng cười. Đinitơ monoxit được sử dụng để giải trí từ thế kỷ 18. Nó được dùng cho y tế vào đầu thế kỷ 20 với tác dụng gây mê, an thần, giảm đau và được các nha sĩ, bác sĩ sản khoa, bác sĩ thể thao sử dụng thường xuyên.
Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều, liên tục trong một thời gian dài hoặc sử dụng trong tình trạng cơ thể bị suy nhược thì có thể gây ra nhiều tác hại tiêu cực cho người sử dụng như gây ảo giác, rối loạn hành vi hoặc tử vong. Dữ liệu do các nhà khoa học Anh công bố cho biết khí cười đã gây ra 17 ca tử vong ở nước này trong giai đoạn 2006 – 2012. Trong đó có 5 ca tử vong do ngạt thở vì thiếu oxy. Và mặc dù sử dụng bóng cười có tác hại thấp hơn rất nhiều so với việc sử dụng trực tiếp khí cười thì ai cũng nên cẩn thận hơn.
Hiện nay, việc nhập khẩu, mua bán chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội… vẫn được thực hiện nhưng phải đảm bảo đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật.
Việc sử dụng bóng cười (chứa chất N2O) chưa có quy định cấm. Tuy nhiên, N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (Căn cứ tại số thứ tự 120, Phụ lục II Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất)
Như vậy, khí N2O chỉ được phép mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng trong công nghiệp, chưa được cấp phép mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho con người.
Hiện khí N2O vẫn chưa được xếp vào Danh mục hóa chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng ban hành trong Thông tư 47/2017/TT-BYT của Bộ Y tế. Khí N2O cũng không được xếp vào danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP và Nghị định số 60/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, người sử dụng khí N2O không bị coi là vi phạm pháp luật do không có quy định cấm.
Do nhu cầu của giới trẻ tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng nhập khẩu khí N2O với mục đích lợi nhuận gây nhiều tác hại xấu đến sức khỏe con người, mất an toàn xã hội. Do đó, ngày 29/5/2019, Bộ Y tế có Công văn số 2954/BYT-KCB có nội dung: không sử dụng khí N2O vào mục đích vui chơi giải trí. Tuy nhiên, đây mới chỉ là văn bản dưới luật mang tính chất tham khảo, không phải văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc người dân phải tuân theo.
Mặc dù vậy, vẫn chưa có chế tài xử phạt cụ để ngăn tác hại tiêu cực của việc sử dụng khí N2O sai mục đích nên các cơ quan quản lý Nhà nước đã tiến hành đẩy mạnh kiểm tra và xử phạt các doanh nghiệp kinh doanh khí N2O về lỗi hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng hóa hạn chế kinh doanh khi chưa có giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội buôn lậu, tội trốn thuế.
Việc sử dụng sai mục đích, không theo chỉ dẫn của bác sỹ khí N2O sẽ gây ra những tác hại không đáng có cho cơ thể con người. Do đó mọi người cần có những hiểu biết đầy đủ để bảo vệ sức khỏe của chính mình./.