Các bước đăng ký thường trú khi thuê nhà ở từ 01/7/2021

Thứ tư, 28/07/2021 20:16
(ĐCSVN) - Bạn đọc Đan Lê, tại địa chỉ quận Lê Chân, TP.Hải Phòng hỏi: Trường hợp thuê nhà ở muốn làm đăng ký thường trú có cần sự đồng ý của chủ sở hữu nhà không và các bước làm thủ tục đăng ký thường trú tại địa chỉ thuê nhà gồm những gì?

Trả lời:

Trước đây, việc đăng ký thường trú có thể làm ở cấp xã hoặc cấp huyện tùy từng tỉnh thành thì từ ngày 01/7/2021, về cơ bản, thẩm quyền thuộc về Công an cấp xã. Ở những nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thì thẩm quyền mới thuộc về Công an cấp huyện.

Đăng ký thường trú tại nhà thuê quan trọng nhất là phải được chủ sở hữu chỗ ở đồng ý.

(Ảnh HC) 

Cụ thể, tại Điều 2 Luật Cư trú 2020 (Luật số: 68/2020/QH14, ngày 13/11/2020) quy định: Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

Các bước làm đăng ký thường trú khi thuê nhà ở từ 01/7/2021

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ Tại Khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú 2020 hồ sơ đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư 56/2021/TT-BCA), trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

b) Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;

c) Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.

Theo đó, giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú được quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 62/2021 (Số: 62/2021/NĐ-CP, ngày 29/6/2021) gồm:

+ Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng;

+ Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trường hợp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp của công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối, chia sẻ với cơ quan đăng ký cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú tự kiểm tra, xác minh, không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Căn cư quy định tại Khoản 2, 3 Điều 3, Thông tư 55/2021 nộp hồ sơ tại Công an theo 01 trong 02 sau:

2. Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp thì người yêu cầu đăng ký cư trú có thể nộp bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc (sau đây gọi là bản sao) hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ để đối chiếu. Trường hợp người yêu cầu đăng ký cư trú nộp bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ thì người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký xác nhận, không được yêu cầu nộp bản sao giấy tờ đó.

3. Trường hợp thực hiện đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú thì người yêu cầu đăng ký cư trú khai báo thông tin và đính kèm bản quét hoặc bản chụp các văn bản, giấy tờ cần thiết theo quy định. Công dân có trách nhiệm xuất trình bản chính các giấy tờ, tài liệu đã cung cấp khi có yêu cầu của người làm công tác đăng ký cư trú.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Giờ hành chính các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật).

Bước 3: Nộp lệ phí

Căn cứ Điểm b.1 Khoản 2 Điều 3 quy định: Mức thu lệ phí đăng ký cư trú theo quy định của từng địa phương và không quá 15.000 đồng/lần đăng ký.

Bước 4: Nhận kết quả

Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú

Thời hạn giải quyết thủ tục: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Được cập nhật kết quả giải quyết đăng ký thường trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Nếu không đủ điều kiện đăng ký thường trú thì công dân được thông báo và nêu rõ lý do từ chối giải quyết.

Như vậy, việc đăng ký thường trú tại nhà thuê quan trọng nhất là phải được chủ sở hữu chỗ ở đồng ý./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực