Cách xử lý khi gặp hiện tượng chóng mặt hậu COVID

Thứ năm, 17/03/2022 16:00
(ĐCSVN) - “Tôi phát hiện nhiễm virus SAR CoV-2 cách đây 2 tuần. Sau 1 tuần điều trị tôi đã khỏi bệnh, tuy nhiên đến nay tôi thường xuyên bị chóng mặt nhất là khi xoay đầu hoặc thay đổi vị trí, đôi lúc còn có cảm giác buồn nôn và giảm khả năng cân bằng. Vậy tôi nên làm gì trong trường hợp này?” – Bạn Thế Hòa (Hà Nội) hỏi.
Làm gì khi bị chóng mặt hậu COVID-19. Ảnh CTV

Trả lời:

Một số người có thể gặp triệu chứng ngay tại thời điểm nhiễm COVID-19 và có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng kể từ lần nhiễm COVID-19 đầu tiên nhưng cũng có thể phát sinh hoặc tái phát triệu chứng ở giai đoạn hồi phục. Hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất cứ ai đã bị nhiễm COVID-19 ngay cả khi bị bệnh nhẹ, hoặc thậm trí trong thời gian mắc bệnh  họ không có triệu chứng thì vẫn có thể bị “ Hậu COVID-19” với các biểu hiện khác nhau. Trong đó, mệt mỏi chóng mặt đôi khi kèm buồn nôn cũng là một trong số các triệu chứng có thể gặp.

Phải biết, COVID-19 sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây ra các triệu chứng về thần kinh như mất ngủ, lo lắng, mệt mỏi, rối loại tiền đình trong đó phổ biến nhất là triệu chứng chóng mặt. Bệnh nhân có thể cảm giác bị choáng thoáng qua nhanh khi thay đổi tư thế đầu hoặc cảm giác chòng chành khi di chuyển, mất thăng bằng đến những cơn nặng hơn cảm giác nhà cửa nghiêng ngả, xoay tròn kèm theo buồn nôn.

Đa phần những chóng mặt nhẹ do COVID-19 gây ra sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào vị trí và tổn thương của tiền đình hoặc các cơ quan khác ngoài tiền đình mà các cơn chóng mặt có thể tự biến mất hoặc kéo dài và cần đến sự can thiệp của y tế.

Do đó, chúng ta cần nhớ rõ một số nguyên tắc khi xuất hiện các triệu chứng chóng mặt như sau:

Nên di chuyển chậm khi thay đổi từ các tư thế nằm sang ngồi và đứng. Có thể ngồi một vài phút cho cơn chóng mặt qua đi rồi mới tiếp tục thay đổi tư thế.

Chúng ta cũng không nên giữ một tư thế quá lâu, nên tự di chuyển một cách bình thường bởi có thể mất một khoảng thời gian để làm quen.

Cần cân đối lại lượng công việc hàng ngày để xen kẽ nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức sẽ khiến tình trạng này nặng hơn.

Phải luôn chú ý đến cơ thể, cung cấp đủ nước bằng cách ăn hoặc uống thường xuyên. Hãy cố gắng duy trì một thói quen và tránh để lâu không ăn hoặc uống.

Ngoài ra, nên tránh các đồ uống có cồn, chất kích thích sẽ làm giãn nở mạch máu và giảm huyết áp, ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây ra những căng thẳng khiến các triệu chứng choáng váng trầm trọng hơn.

Chú ý theo dõi triệu chứng cuả bản thân, khi phát hiện các triệu chứng tăng đột ngột, kèm theo khó thở, tức ngực, mất ý thức… cần tham khảo ý kiến của bác sỹ./.

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực