Cảnh sát giao thông được sử dụng những công cụ nghiệp vụ nào?

Thứ sáu, 25/02/2022 22:00
(ĐCSVN) – Bạn đọc Huỳnh Tấn Việt, địa chỉ tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang hỏi: Những loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nào thì lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) được quyền sử dụng? Yêu cầu, trách nhiệm của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ?

 Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông Công an thành phố Yên Bái kiểm tra, xử lý người,

phương tiện vi phạm luật giao thông. (Nguồn: baoyenbai.com.vn). 

Theo Nghị định 135/2021/NĐ-CP, ngoài máy đo nồng độ cồn, máy bắn tốc độ thì CSGT còn được trang bị nhiều phương tiện khác để phát hiện vi phạm hành chính về giao thông.

 Cụ thể, theo điểm a khoản 2, điều 9, Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính thì CSGT là một trong các lực lượng được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

 Trong khi đó, tại danh mục I, danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Kèm theo Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ) nêu chi tiết các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, gồm:

1. Phương tiện đo độ dài.

2. Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới.

3. Phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh.

4. Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở.

5. Thiết bị ghi âm và ghi hình.

6. Phương tiện đo khoảng cách giữa hai phương tiện giao thông đang chạy.

7. Phương tiện đo định vị bằng vệ tinh.

8. Thiết bị đo, thử chất ma túy.

9. Thiết bị ghi đo bức xạ.

10. Thiết bị đánh dấu hóa chất.

11. Phương tiện đo áp suất khí nén.

12. Thiết bị đo hiệu quả phanh xe cơ giới.

13. Phương tiện đo độ ồn.

14. Thiết bị đo âm lượng.

15. Phương tiện đo nồng độ khí thải.

16. Phương tiện đo độ khói.

17. Thiết bị đo cường độ ánh sáng.

18. Thiết bị đo độ rơ góc của vô lăng lái xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

19. Thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả.

20. Thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình.

21. Thiết bị trích xuất dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.

22. Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự, điều hành giao thông.

23. Bộ máy quét hiện trường.

24. Máy vi tính, máy tính bảng lưu trữ kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Về yêu cầu, trách nhiệm của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp, điều 13, chương I, Nghị định 135/2021/NĐ-CP nêu rõ:

1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, thanh tra viên chuyên ngành, công chức, viên chức thuộc các lực lượng quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Nắm vững chế độ quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;

b) Được tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

2. Trách nhiệm của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ:

a) Thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo an toàn, giữ gìn, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực