Về nội dung này, luật sư Trương Anh Tuấn (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hàng bán trả lại là số lượng hàng hóa được xác định là đã bán nhưng vì một số lý do nên bị khách hàng trả lại. Hàng trả lại sẽ dẫn đến một khoản giảm trừ doanh thu và ảnh hưởng đến một phần doanh thu thuần thực tế và việc xác định kết quả hoạt động kinh doanh.
Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Chương I Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này; trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
Như vậy, khi bên mua hoàn trả hàng hóa cho bên bán thì phải xuất hóa đơn hàng bán trả lại.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Cùng với đó, Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2023 quy định về giảm thuế giá trị gia tăng như sau:
1. Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
c) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
d) Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng than khai thác bán ra.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.
2. Mức giảm thuế giá trị gia tăng
a) Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại Khoản 1 Điều này.
Các bước thực hiện lập hóa đơn trả lại hàng như sau:
Bước 1: Bên bán lập hóa đơn hoàn trả lại hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập và phải có thỏa thuận ghi rõ hàng bán trả lại.
- Lập hóa đơn điều chỉnh:
Ghi giảm số lượng hàng hóa đúng bằng với hàng hóa người mua trả lại trên thực tế và ghi “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
- Lập hóa đơn thay thế:
Số lượng hàng hóa trên hóa đơn thay thế đã trừ đi số lượng hàng hóa mà người mua trả lại và ghi “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
Bước 2: Bên bán tiến hành ký số trên hóa đơn điện tử mới thay thế/điều chỉnh và gửi cho người mua (hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc cho cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới rồi gửi cho người mua (hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).
Bước 3: Căn cứ vào hóa đơn hoàn trả hàng hóa (hóa đơn mới đã điều chỉnh/thay thế) thì doanh nghiệp và bên mua thực hiện kê khai thuế/kê khai bổ sung tại kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn hoàn trả hàng hóa.
Theo luật sư Tuấn, do chưa biết hàng hóa công ty bạn mua cụ thể như thế nào (chủng loại, số lượng, cách thức thanh toán, giao hàng…), trên cơ sở Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Tổng cục Thuế quy định rõ:
- Đối với hàng hóa đã mua từ tháng 02/2022 đến tháng 12/2022 (hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng là 8%), đến năm 2023 phát sinh trả lại hàng thì hóa đơn trả lại hàng được lập với thuế suất thuế giá trị gia tăng là 8%.
- Về thuế suất thuế giá trị gia tăng liên quan đến khoản chiết khấu thương mại được lập hóa đơn khi kết thúc chương trình vào cuối kỳ:
+ Nếu khoản chiết khấu thương mại liên quan đến khoản doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ từ tháng 02/2012 đến tháng 12/2012 (hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng là 8%) thì khoản chiết khấu thương mại này Công ty áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng tương ứng là 8%:
+ Nếu khoản chiết khấu thương mại liên quan đến khoản doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong năm 2022 với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng là 10% thì khoản chiết khấu thương mại này Công ty áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng tương ứng là 10%./.