Công an giao thông cấp huyện được kiểm tra nồng độ cồn trên những cung đường nào?

Thứ ba, 05/03/2024 16:33
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - “Dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, tôi thấy có tổ công tác công an huyện chốt trực, dừng xe ngay trên đường liên xã, thực hiện kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Xin hỏi quy định cụ thể ra sao?", bạn đọc Hoàng Mạnh Tuyến, sống tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội hỏi.

Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ (đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết, các dịp nghỉ lễ, đặc biệt là Tết Nguyên đán kéo dài nhiều ngày khiến nhu cầu gặp gỡ, giao lưu của người dân cũng tăng cao, dẫn đến việc sử dụng, lạm dụng rượu bia.

Nếu không tự nhận thức, có sự nể nang sẽ dễ vi phạm pháp luật khi trực tiếp điều khiển phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông, thậm chí bị lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt nặng, tạm giữ xe, tước giấy phép lái xe.

Cảnh sát giao thông được kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến đường mình quản lý
(Ảnh minh họa, nguồn: phunuonline.com.vn)

Theo Điểm c Khoản 2 Điều 6 Mục 1 Chương II Thông tư 32/2023/TT-BCA ngày 01/8/2023 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (có hiệu lực từ ngày 15/9/2023) nêu rõ: Công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính cấp huyện trong đó gồm có các tuyến đường tỉnh; đường huyện; đường xã và đường khác thuộc địa bàn quản lý, đường chuyên dùng, đường đô thị không thuộc trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.

Cũng theo Thông tư trên, tại Điều 10 Mục 3 Chương II quy định cán bộ cảnh sát giao thông di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công bằng phương tiện giao thông hoặc đi bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành, trực tiếp quan sát hoặc thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

Cảnh sát giao thông tổ chức lực lượng tại một điểm trên đường giao thông, tại trạm cảnh sát giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

Tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ.

Khi tuần tra, kiểm soát, cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera) được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát. Kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.

Khi tuần tra, kiểm soát cơ động được kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại trạm cảnh sát giao thông hoặc khi kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại trạm cảnh sát giao thông được tuần tra, kiểm soát cơ động nhưng phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

Khi tổ chức tuần tra, kiểm soát công khai phải có kế hoạch của Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Cục cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên và bảo đảm các quy định sau: Sử dụng trang phục Cảnh sát theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư này; Sử dụng phương tiện giao thông theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư này hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công; Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Thông tư này.

Về vị trí đặt chốt công tác, luật sư Kỹ phân tích, Khoản 3 Điều 16 Mục 2 Chương III Thông tư 32/2023/TT-BCA nêu rõ khi dừng, kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm cảnh sát giao thông phải bảo đảm yêu cầu quy định tại Khoản 2 Điều này và yêu cầu sau:

a) Đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm tuyến đường giao thông để triển khai chiều dài đoạn rào chắn cho phù hợp, bảo đảm an toàn.

b) Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan; đủ diện tích để bố trí, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát, xử lý vi phạm; căn cứ tình hình thực tế tại khu vực kiểm soát, chuyên đề kiểm soát, có thể bố trí cán bộ cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm an toàn giao thông.lưu ý, phải đặt tại một điểm trên đường giao thông, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.

Ngoài ra, tại Điều 8 Mục 2 Chương II Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về quyền hạn của cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

Cụ thể, kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bộ.

“Việc công an huyện đang thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch trên đường trong phạm vi địa giới hành chính mình quản lý như đường giao thông liên xã, đường làng… mà phát hiện người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có dấu hiệu của hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ thì có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng xe lại và sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kiểm tra nồng độ cồn mà không cần lập chốt”, luật sư Kỹ khẳng định./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực