Ngày 26/10/2023, tại trụ sở Tỉnh ủy Bắc Ninh, trong cuộc họp xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, khi bảo vệ luận án và nhận bằng Tiến sĩ, ông Nguyễn Công Thắng (SN 1983), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Bắc Ninh đã sử dụng giấy công nhận văn bằng trình độ Thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy công nhận văn bằng giả) và dùng bằng Tiến sĩ để thi nâng ngạch.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Ninh biểu quyết xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Công Thắng, đồng thời báo cáo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Trước đó, hồi tháng 10/2019, lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy xử lý nghiêm đối với bà Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975) do sử dụng bằng cấp 3 và tên tuổi của chị gái để công tác, thăng tiến đến chức Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Bà Thảo đã thừa nhận sai phạm.
Tiếp theo, ngày 13/11/2019, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định kỷ luật Thượng tá Thái Đình Hoài (SN 1976), Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Lai Châu) bằng hình thức tước danh hiệu Công an Nhân dân vì sử dụng bằng Trung học phổ thông giả. Trước khi bị phát hiện dùng bằng giả, ông Hoài đã được quy hoạch chức danh Phó Giám đốc công an tỉnh.
|
Sử dụng bằng cấp, chứng chỉ không phù hợp là vi phạm kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và kỷ luật đảng viên (Tranh minh họa, nguồn: luatminhkhue.vn) |
Có thể nói, việc cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có không ít người là đảng viên, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp… không phải hiếm. Điều này đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, ở phần “biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống” nêu lên một hiện tượng “chạy bằng cấp”.
Nếu điều này tồn tại chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cán bộ, đảng viên, làm suy giảm uy tín của bộ máy, làm hạn chế sự tham gia vào hệ thống chính trị của người có năng lực thực sự…
Câu hỏi mà nhiều bạn đọc đặt ra là những trách nhiệm pháp lý của đảng viên khi sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.
Về công tác Đảng, Điều 9 Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về những điều đảng viên không được làm” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành có nêu một trong các hành vi bị cấm là “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp”.
Tiếp đó, tại khoản 3 Điều 9 Hướng dẫn 02-HD/UBKTTW ngày 29/11/2021 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện Quy định 37-QĐ/TW (do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú ký ban hành) đã nêu cụ thể: “Đảng viên không được: sử dụng hoặc có hành vi bao che, giúp đỡ cho người khác kê khai, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp để dự thi tuyển, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, thi/xét nâng ngạch, thi/xét nâng hạng chức danh nghề nghiệp để được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, bầu cử vào các vị trí, chức danh cao hơn, phong tặng hoặc công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước”.
Về mặt chính quyền, quản lý nhà nước, hiện Luật số: 52/2019/QH14, ngày 25 tháng 11 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức 22/2008/QH12 và Luật Viên chức 58/2010/QH12 vẫn đang có giá trị pháp lý.
Bên cạnh đó, Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức nhấn mạnh, công chức có hành vi sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả có thể bị xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức: “kỷ luật cảnh cáo đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức”; “kỷ luật cách chức đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ”; “kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị”.
Trong khi với viên chức, Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức cũng có các hình thức kỷ luật tương đương.
Trường hợp công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp nhưng chưa đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Mục 5 Chương II Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, đồng thời hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu văn bằng, chứng chỉ giả.
Theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì hành vi “sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị” của công chức, viên chức có thể phải chịu hình thức kỷ luật buộc thôi việc tại khoản 3, Điều 13 và khoản 4 Điều 19.
Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả mà cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015) sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Nếu cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp thì ngoài kỷ luật theo quy định của pháp luật còn phải chịu kỷ luật của Đảng.
Ngày 06/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm thay thế Quy định 07-QĐi/TW, về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định 102-QĐ/TW, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Bộ Chính trị khóa XII.
Theo khoản 1 Điều 35 Chương III Quy định 69-QĐ/TW, đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Khai không đúng hoặc mua, bán, sử dụng, tặng, cho văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
b) Công chứng, chứng thực, xác nhận văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận trái quy định của pháp luật.
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định việc cấp phát, chứng nhận bản sao hoặc xác nhận tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đã cấp.
d) Không lập hoặc lập không đầy đủ hồ sơ theo quy định làm căn cứ để cấp phát, quản lý văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận.
đ) Có trách nhiệm quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ nhưng thiếu trách nhiệm để người khác lợi dụng làm văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.
e) Không chỉ đạo kiểm tra, xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm việc cấp, xác nhận, công chứng hoặc mua, bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp thuộc thẩm quyền của mình.
Trường hợp đã kỷ luật theo khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp để hợp thức hoá hồ sơ cán bộ, đảng viên.
b) Thiếu trách nhiệm làm mất, hỏng hồ sơ mà mình có trách nhiệm quản lý để cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận.
c) Can thiệp tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp, không đúng đối tượng.
d) Ký, cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận cho người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện; ra quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận trái quy định.
đ) Làm giả hoặc sửa chữa, bổ sung, xác nhận sai sự thật để cấp có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ cho người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; sửa chữa, bổ sung làm sai lệch nội dung trong văn bằng, chứng chỉ phục vụ cho hành vi trái pháp luật.
e) Cho người khác mượn, thuê, sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình để sử dụng trong việc tuyển dụng, đi học, thi nâng ngạch, bổ nhiệm, bầu cử hoặc mục đích trái quy định.
Trường hợp vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Làm công tác tuyển dụng, xét tuyển, đào tạo nhưng để người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp được dự thi tuyển, xét tuyển đi học, thi nâng ngạch.
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cán bộ, công chức, đảng viên thuộc quyền quản lý sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.
c) Trực tiếp tham gia hoặc tiếp tay việc sản xuất, tiêu thụ hoặc môi giới tiêu thụ văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.
d) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, được kết nạp vào Đảng, được đi học, quy hoạch, bổ nhiệm, thi nâng ngạch, bậc, để đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện trong công tác cán bộ.
Trong trường hợp đảng viên bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ ra khỏi Đảng.
Có thể khẳng định, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp nhằm mục đích thăng tiến, tăng lương hoặc được nhận thêm các đãi ngộ khác là biểu hiện không trung thực với Đảng, với tổ chức, với đồng chí, không xứng đáng với tư cách đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam./.