Bạn đọc Trịnh Văn Chất, sống tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa hỏi: Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, lực lượng công an trên toàn quốc đã và đang lập nhiều chốt kiểm tra giao thông. Tôi muốn biết quy định cụ thể về việc lập chốt kiểm tra giao thông cũng như các hình thức tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông?
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 9 Mục 3 Chương II Thông tư 65/2020/TT-BCA (Số: 65/2020/TT-BCA, ngày 19 tháng 6 năm 2020), cảnh sát giao thông di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công bằng phương tiện giao thông hoặc đi bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trực tiếp giám sát hoặc thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
|
Một chốt kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông (Ảnh minh họa: vnexpress.net) |
Cảnh sát giao thông tổ chức lực lượng tại trạm cảnh sát giao thông hoặc tại một điểm trên đường giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện: Tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ; kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát; kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề; kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện những nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
Tại trạm cảnh sát giao thông, lắp đặt, sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi hình khu vực kiểm soát. Tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.
Khi tuần tra, kiểm soát cơ động được kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại trạm cảnh sát giao thông hoặc khi kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại trạm cảnh sát giao thông được tuần tra, kiểm soát cơ động nhưng phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, cảnh sát giao thông có quyền lập chốt xử lý các vi phạm nói chung và chốt kiểm tra nồng độ cồn nói riêng tại bất cứ nơi nào có sự tham gia giao thông nhằm đảm bảo việc tuân thủ tham gia giao thông của người dân, cơ quan, tổ chức theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, Thông tư 65/2020/TT-BCA cho thấy lực lượng cảnh sát giao thông có khá nhiều đặc quyền khi tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông.
“Do đó, để tránh đi tình trạng tùy tiện lập chốt kiểm tra, Bộ Công an cũng quy định cảnh sát giao thông khi tổ chức tuần tra, kiểm soát (cơ động hay tại trạm, điểm) đều phải theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, luật gia Vinh nhìn nhận.
Ngoài ra, nếu chốt tại một điểm trên đường giao thông thì cảnh sát giao thông cần lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật.
Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.
Trước tình trạng một số người tham gia giao thông cố tình chống đối lực lượng chức năng trong quá trình làm nhiệm vụ, gây ra những thiệt hại cả người và tài sản, để đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ, Khoản 2 Điều 16 Mục 2 Chương III Thông tư 65/2020/TT-BCA có quy định việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;
b) Khi dừng, kiểm soát tại một điểm, tại trạm cảnh sát giao thông, phải bảo đảm yêu cầu quy định tại Điểm a Khoản này và yêu cầu sau đây:
Đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chiều dài đoạn rào chắn tối thiểu 100m đối với đường cao tốc, 50m đối với quốc lộ và 30m đối với đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường chuyên dùng;
Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan; đủ diện tích để bố trí, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát, xử lý phương tiện giao thông vi phạm; bố trí cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm an toàn giao thông.
Trường hợp kiểm soát trên đường cao tốc, phải đặt biển báo số 245a “Đi chậm” hoặc biển báo số 245b (đối với tuyến đường đối ngoại) về phía trước tổ cảnh sát giao thông theo hướng phương tiện giao thông cần kiểm soát đi tới theo quy định của pháp luật báo hiệu đường bộ;
c) Khi dừng, kiểm soát phương tiện giao thông trên đường cao tốc, phải bảo đảm yêu cầu quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này và yêu cầu sau đây:
Khi kiểm soát tại một điểm chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm tại các vị trí: Khu vực trạm thu phí, điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc;
Khi tuần tra, kiểm soát cơ động chỉ được dừng phương tiện giao thông vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp: Phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời; phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc; phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc. Khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay.
Căn cứ theo Thông tư 09/2021/TT-BCA, ngày 20 tháng 01 năm 2021 của Bộ Công an quy định về kiểm tra điều lệnh, quân sự, võ thuật Công an Nhân dân, để người tham gia giao thông thực hiện quyền giám sát công dân của mình cũng như tăng cường tính minh bạch, công khai trong quá trình làm nhiệm vụ, Điều 11 Mục 3 Chương II Thông tư 65/2020/TT-BCA nêu rõ thì khi tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, cảnh sát giao thông phải:
- Sử dụng trang phục cảnh sát, đeo số hiệu Công an Nhân dân. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang.
- Sử dụng phương tiện xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát (màu sơn trắng), xe chuyên dùng, có dòng chữ cảnh sát giao thông song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh), lắp đặt đèn, cờ hiệu công an, còi phát tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật;
- Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện thông tin liên lạc…
“Vì một xã hội an toàn, văn minh, mọi người đều cần tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định liên quan tới trật tự an toàn giao thông nói chung, giao thông đường bộ nói riêng, chủ động tích cực nêu gương, tuyên truyền cho người khác, đồng thời có thể cùng tham gia giám sát quá trình thực thi công vụ của lực lượng chức năng theo đúng quy định của pháp luật”, luật gia Vinh nhấn mạnh./.