Giao thông Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dịp Quốc khánh?

Thứ sáu, 23/08/2024 10:08
(ĐCSVN) - Dịp lễ Quốc khánh năm 2024 được nghỉ từ 3 - 4 ngày, kéo theo nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Nhiều bạn đọc muốn biết Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có kế hoạch tăng cường vận tải, đảm bảo an toàn giao thông ra sao?

Ngày 20/8, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện 81/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp lễ Quốc khánh 02/9 và tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.

Tại thủ đô Hà Nội: Dự kiến lượng khách tại các bến xe sẽ tăng cao vào trước các ngày nghỉ và ngày kết thúc kỳ nghỉ để trở lại Thủ đô học tập và lao động. Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng kế hoạch vận tải khách, đảm bảo chất lượng xe tham gia hoạt động trên tuyến, số lượng xe dự phòng tối đa để giải toả lượng khách tăng cao vào các ngày cao điểm khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp điều động xe buýt tăng cường phục vụ giải tỏa khách tại các bến xe khách liên tỉnh, các điểm trung chuyển, nhà ga, tuyến qua các khu vui chơi, giải trí...

Đơn vị vận tải bằng xe buýt cần xây dựng kế hoạch bố trí xe trên các tuyến thông qua bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, ga Hà Nội, các điểm trung chuyển Long Biên, Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt... trong những ngày cao điểm, kịp thời giải toả khi lượng khách tăng đột biến.

Sở GTVT Hà Nội yêu cầu siết chặt quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, ATGT trước, trong và sau các ngày nghỉ lễ 02/9. (Ảnh: Ngọc Trang)

Đơn vị vận tải khách liên tỉnh phải có phương án dự phòng các xe tăng cường trên các tuyến để kịp thời giải tỏa khách, hạn chế thấp nhất việc ứ đọng khách trong bến. Thực hiện nghiêm kiểm tra, kiểm soát các xe ra vào bến đăng ký đón trả khách, kiểm tra chất lượng xe, người lái, hàng hoá, hành lý theo quy định.

Các bến xe đảm bảo hình thức đẹp, sạch sẽ, văn minh, tiết kiệm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, tổ chức tốt các dịch vụ hành khách và phương tiện. Nhân viên phục vụ phải đeo thẻ công tác và mặc đồng phục khi tác nghiệp; đảm bảo tốt hệ thống thông tin loa, đài, bảng tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo bến xe; niêm yết đầy đủ các bảng thông báo về luồng tuyến, chuyến lượt, giờ xe chạy, giá vé, phương tiện tăng cường; có đủ đèn chiếu sáng, khu vệ sinh, y tế...

Sở cũng đề nghị Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội xây dựng kế hoạch phục vụ tốt nhất việc đi lại của người dân, cụ thể là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội, báo cáo Sở trước ngày 22/8.

Thanh tra Sở phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thuộc công an thành phố, chính quyền địa phương và lực lượng tham gia bảo đảm giao thông tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, chỉ dẫn phân luồng, phân làn giao thông, giảm thiểu sự cố ùn tắc.

Kiên quyết xử lý các phương tiện vận tải khách chạy sai hành trình, chở quá số người quy định, xe chạy kiểu “rà rê”, dừng đỗ, đón trả khách, bốc xếp hàng hóa không đúng nơi quy định...

Theo dự báo của Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội, lượng khách và lượng xe sẽ tăng cao từ chiều 30/8 và ngày 31/8; giảm về mức bình thường vào ngày 1/9 và sáng 2/9; lượng khách tăng trở lại từ chiều ngày 3/9 và sáng ngày 4/9.

Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 20.000 khách/ngày, tăng 350% so với ngày thường. Lượt xe dự kiến từ 850-900 lượt xe/ngày. Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa...

Bến xe Gia Lâm, lượng khách cao nhất khoảng 5.000 khách/ngày, tăng khoảng 250% so với ngày thường; lượng xe dự kiến là 400 xe/ngày, chủ yếu tập trung các tuyến như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang…

Tại bến Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 22.000 lượt/ngày, tăng lên hơn 350% so với ngày thường, lượt xe dự kiến hơn 950 lượt xe/ngày, chủ yếu ở các tuyến: Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng.

Theo đó, bến xe Giáp Bát được tăng cường 220 xe; bến xe Gia Lâm tăng cường 80 xe và bến xe Mỹ Đình tăng cường 400 xe. Người dân nên vào bến mua vé, không đón xe dọc đường để đảm bảo an toàn giao thông và tránh tình trạng một số nhà xe có thể tăng giá vé tùy tiện.

Trong khi đó, bến xe miền Đông (BXMĐ) (quận Bình Thạnh, TP. HCM) dự báo lượng khách bắt đầu đông từ tối ngày thứ 6 (30/8) với hơn 15.200 hành khách, 520 chuyến. Tiếp theo là thứ 7 (31/8) với khoảng 11.200 hành khách. Tương tự, bến xe miền Đông mới cũng có khoảng 9.000 hành khách vào ngày thứ 6 và 8.000 hành khách vào ngày thứ 7.

Với lượng hành khách đi lại lớn, cả hai bến xe đều khuyến khích các đơn vị vận tải không thực hiện điều chỉnh tăng giá. Nếu kê khai điều chỉnh tăng giá để đảm bảo bù đắp chi phí khi quay vòng xe (không có khách) thì có thể tham khảo thời gian dự kiến điều chỉnh từ ngày 30/8 đến hết 31/8.

Khu vực từ Đà Nẵng trở vào đến Bình Thuận, các tuyến thuộc khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực miền Tây điều chỉnh tăng không quá 40% so với ngày thường.

Đại diện bến xe miền Đông mới kiến nghị Sở GTVT TP. HCM phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường xử lý các phương tiện hoạt động tuyến cố định có hành vi đón, trả khách ngoài bến, xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng hoạt động như xe tuyến cố định trá hình đặc biệt khu vực trước BXMĐ mới.

Bên cạnh đó là thống nhất với các Sở GTVT địa phương kế hoạch tăng cường phương tiện giải tỏa hành khách (trong đó có danh sách phương tiện, lái xe được điều động, cấp phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” cho các phương tiện tăng cường).

Trong trường hợp cần điều động xe đột xuất để giải tỏa khách, đề nghị Sở GTVT TP. HCM cho phép Tổng Công ty Samco chủ động điều động phương tiện và lái xe chưa có trong danh sách đã đăng ký.

Khi giải quyết cho xe tăng cường thì BXMĐ chỉ kiểm tra các loại giấy tờ theo quy định, nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này thì sẽ tiến hành cấp phù hiệu và lệnh vận chuyển cho xe tăng cường giải tỏa khách. Đặc biệt, cho phép BXMĐ tạm ngưng bán vé và báo cáo cơ quan quản lý tuyến xử lý theo quy định trong trường hợp các đơn vị vận tải bán không đúng giá niêm yết.

Ngoài ra, Ban Giám đốc công an hai địa phương nói trên cũng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ quyết liệt trong việc kiểm soát nồng độ để tạo chuyển biến tích cực tình hình, hình thành bằng được thói quen, văn hóa "đã uống rượu, bia thì không lái xe".

Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn cần tập trung vào các khung giờ cao điểm, buổi trưa, buổi tối, thời gian cuối tuần. Trong quá trình xử lý các vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực