Theo luật gia Nguyễn Thế Hiển, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội), vụ việc liên quan đến một số cảnh sát ở Sóc Trăng dùng vũ lực với hai thiếu niên điều khiển mô tô vừa qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Hành vi điều khiển phương tiện giao thông nói chung và mô tô, xe gắn máy nói riêng khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm.
|
Tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm vẫn diễn ra ngang nhiên, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông (Ảnh: laodong.vn)
|
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (số: 23/2008/QH12, ngày 13 tháng 11 năm 2008), người lái xe tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe và có các loại giấy phép lái xe phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Cụ thể, Điều 60 Chương V quy định: người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xy-lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xy-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi...
Như vậy, với loại xe máy có dung tích xy-lanh từ 50 cm3 trở lên, người điều khiển bắt buộc phải trên 18 tuổi và có giấy phép lái xe phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Còn với loại xe có dung tích xy-lanh dưới 50 cm3, người điều khiển dù không cần có bằng lái nhưng bắt buộc phải đủ 16 tuổi.
Về hình thức xử phạt, Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP (số: 123/2021/NĐ-CP, ngày 28 tháng 12 năm 2021) chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Số: 100/2019/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 2019) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định mức phạt đối với người chưa đủ tuổi lái xe quy định như sau: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô; Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xy-lanh từ 50 cm3 trở lên.
Đồng thời, người trực tiếp giao mô tô, xe gắn máy cho những đối tượng này điều khiển cũng sẽ bị xử phạt nặng.
Cụ thể, theo Khoản 5 Điều 30 Mục 6 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô khi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Chương V của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng).
Theo luật gia Hiển, với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội như hiện nay, không khó để tận mắt chứng kiến các em học sinh cấp 2-3 "phi xe ầm ầm" trên đường, thậm chí đèo 3 đèo 4, không lắp gương chiếu hậu, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng…
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt đối với đối tượng dưới 18 tuổi và phụ huynh đưa xe cho con em mình điều khiển vẫn đang quá "nhẹ", chưa đủ sức răn đe.
“Do đó, ngoài việc triển khai mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho thanh thiếu niên, học sinh về pháp luật nói chung, pháp luật liên quan đến an toàn giao thông, thì việc tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý, xử phạt với hành vi nói trên của lực lượng chức năng là rất cần thiết”, luật gia Hiển nhấn mạnh./.