Hành vi nào bị cấm trong kinh doanh bảo hiểm?

Thứ hai, 31/07/2023 09:56
(ĐCSVN) - Bạn đọc Nguyễn Thị Thu Hà ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình hỏi: Tôi có nhu cầu vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, khi đến ngân hàng làm thủ tục vay thì cán bộ tín dụng của ngân hàng có "gợi ý" nên mua 1 gói bảo hiểm nhân thọ thì hồ sơ mới được phê duyệt giải ngân, trong khi tôi không có nhu cầu mua bảo hiểm. Việc làm của cán bộ tín dụng nói trên có bị cấm trong kinh doanh bảo hiểm hay không?
"Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm" là hành vi bị cấm trong kinh doanh bảo hiểm. (Ảnh: TL)

Trả lời câu hỏi nói trên, luật sư Hữu Đang, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cho biết: Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định rõ 5 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Đó là hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép.

Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thực hiện các hành vi gian lận bao gồm: thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Như vậy, việc cán bộ tín dụng nói trên "gợi ý" bạn mua bảo hiểm nhân thọ thì hồ sơ mới được phê duyệt giải ngân, đang có dấu hiệu cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm vì bạn không có nhu cầu mua bảo hiểm. Đây là hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm.

Theo luật sư, trong trường hợp này, bạn nên cần trao đổi trực tiếp với cán bộ tín dụng, khẳng định rõ không có nhu cầu mua bảo hiểm. Nếu tiếp tục bị gây sức ép, buộc phải mua bảo hiểm thì mới được giải ngân món vay, bạn có thể dừng các thủ tục vay và thông tin trực tiếp với cấp trên của cán bộ tín dụng, hoặc khởi kiện về hành vi “Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm”, quy định tại Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực