Hỗ trợ 01 triệu đồng/người với lao động đang thực hiện “3 tại chỗ”

Thứ sáu, 27/08/2021 09:29
(ĐCSVN) – Anh Hoàng Văn Tường, địa chỉ tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai hỏi: Trường hợp người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg thì được hỗ trợ bao nhiêu tiền? Nguồn kinh phí, cách thức triển khai?

Người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ” tại Bắc Ninh đảm bảo ngồi giãn cách

trong giờ ăn giữa ca phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Phúc Minh.

Theo Quyết định số 3089/QĐ-TLĐ, ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về việc hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại các địa bàn tỉnh, Thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, Thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg có nêu chi tiết những nội dung này. Theo đó, người người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg sẽ được nhận mức hỗ trợ là 01 triệu đồng/người, hỗ trợ 01 lần, thời điểm thực hiện chính thức từ ngày 24 tháng 8 năm 2021, cũng như nêu cụ thể nguồn kinh phí và cách thức triển khai hỗ trợ (điều 1, Quyết định số 3089/QĐ-TLĐ). Cụ thể như sau:

 Hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

 a) Đối tượng hưởng là đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất.

 b) Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người, hỗ trợ 01 lần.

 c) Thời điểm thực hiện hỗ trợ được tính từ ngày Quyết định có hiệu lực.

 d) Nguồn kinh phí thực hiện:

 - Do công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cấp hỗ trợ cho công đoàn cơ sở từ nguồn tài chính tích lũy của đơn vị còn được sử dụng tại thời điểm cấp và đảm bảo sau khi cấp số dư tại đơn vị còn tối thiểu 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng).

 Trường hợp công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không đủ nguồn để cấp hỗ trợ (số dư tích lũy còn dưới 1 tỷ đồng) thì Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cấp bù để công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cấp đủ cho công đoàn cơ sở.

 - Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cấp hỗ trợ cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở từ nguồn tài chính tích lũy của đơn vị còn được sử dụng tại thời điểm cấp hỗ trợ và đảm bảo sau khi cấp hỗ trợ số dư tại đơn vị còn tối thiểu 5.000.000.000 đồng (Năm tỷ đồng). Trường hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn không đủ nguồn để cấp (số dư tích lũy còn dưới 05 tỷ đồng) thì Tổng Liên đoàn cấp bù để Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cấp đủ cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

 đ) Cách thức triển khai

 - Công đoàn cơ sở báo cáo số lượng đoàn viên, người lao động được doanh nghiệp huy động để thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thẩm định cấp kinh phí.

 - Trường hợp doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn nhưng chưa có tổ chức công đoàn thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở làm việc với doanh nghiệp kiểm tra, xác định số lượng đoàn viên, người lao động thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất để chi hỗ trợ.

 - Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cấp hỗ trợ khi không cân đối được nguồn.

 - Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đề nghị Tổng Liên đoàn cấp hỗ trợ khi không cân đối được nguồn.

 - Trên cơ sở đề xuất của đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở (công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn) thống nhất với chủ doanh nghiệp về phương thức tổ chức, khẩu phần bữa ăn, chuyển kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp để tổ chức bữa ăn theo chính sách chung của doanh nghiệp; đồng thời công đoàn cơ sở (công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn) giám sát việc tổ chức thực hiện bữa ăn và công khai tới đoàn viên, người lao động./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực