Hỗ trợ cho vay để ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc?

Thứ hai, 11/07/2022 22:01
(ĐCSVN) - Bạn đọc Lương Thị Quý, sống tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương hỏi: Gia đình tôi có nhu cầu cho con trai đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Xin hỏi chính sách mới nhất liên quan tới việc hỗ trợ cho vay vốn chương trình này như thế nào?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 8/7/2022 của Chính phủ về việc ký quỹ và hỗ trợ cho vay để ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc.

Theo đó, người lao động thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhu cầu vay vốn đi làm việc ở Hàn Quốc theo Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam trong Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS) được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

 Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS được vay vốn đến 100 triệu đồng để ký quỹ (Ảnh minh họa, nguồn: baodansinh.vn)

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc thực hiện chính sách cho vay để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động thuộc các đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc trong Chương trình EPS theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện ký quỹ và cho vay để ký quỹ đối với người lao động đã được tuyển chọn trước ngày 01 tháng 01 năm 2022 theo quy định tại Quyết định 12/2020/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 về thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực thi hành.

Về xử lý tiền ký quỹ, Nghị quyết nêu rõ, đối với trường hợp đã ký quỹ trước ngày 01 tháng 01 năm 2022 mà có hành vi tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì tiền ký quỹ được chuyển vào ngân sách nhà nước cấp tỉnh nơi người lao động đăng ký thường trú trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc. Khoản tiền người lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ thì tiền ký quỹ được xử lý theo thứ tự: trả khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội; chuyển vào ngân sách nhà nước cấp tỉnh nơi người lao động đăng ký thường trú trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc số tiền còn lại sau khi trả nợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đối với trường hợp ký quỹ từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 mà bị xử phạt vi phạm hành chính do tự ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động và không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 86, Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số: 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012) và Điều 44 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Khoản tiền người lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ thì tiền ký quỹ được xử lý theo trình tự: trả khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội; thực hiện theo quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền còn lại sau khi trả nợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại các địa phương cấp huyện năm 2021 được áp dụng như sau: quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn từ 28% trở lên và có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 53 người trở lên.

Trước đó, cùng với việc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng hạn hợp đồng và lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thông báo danh sách 10 huyện/thành phố, thị xã buộc phải tạm dừng tuyển chọn lao động theo Chương trình EPS năm 2021, gồm: huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa, thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa); huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), huyện Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), và huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình). 

Việc tạm dừng tuyển chọn lao động này không áp dụng đối với ba đối tượng sau: Người lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp; Người lao động đã từng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng hạn; Người lao động từng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong khoảng thời gian Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách miễn xử phạt./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực