Mọi công dân trong diện thực hiện nghĩa vụ đều được gọi nhập ngũ?

Thứ ba, 31/01/2023 17:45
(ĐCSVN) - Thực hiện nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang nói chung (Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân) là nghĩa vụ vẻ vang của công dân Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng được gọi nhập ngũ mà cần đáp ứng một số điều kiện/tiêu chuẩn nhất định. Vậy, tất cả thanh niên trong diện thực hiện nghĩa vụ sẽ được gọi nhập ngũ hàng năm?

Theo luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội), công dân Việt Nam được tuyển chọn và gọi nhập ngũ cần đáp ứng đầy đủ các quy định/tiêu chuẩn về độ tuổi, sức khỏe, chính trị đạo đức và văn hóa.

Khoản 1 Điều 3 Chương I Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 (Luật số: 78/2015/QH13, ngày 19 tháng 6 năm 2015) nêu rõ độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) là độ tuổi công dân thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội Nhân dân.

Công dân trong độ tuổi quy định sẽ phải thực hiện NVQS mà không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn cũng như nghề nghiệp, nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú).

Độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình được quy định tại Điều 30 Mục 1 Chương IV Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, cụ thể:

- Độ tuổi thông thường công dân được bắt đầu gọi nhập ngũ là từ đủ 18 tuổi trở lên đến hết 25 tuổi.

- Độ tuổi gọi nhập ngũ với công dân có trình độ đào tạo là cao đẳng, đại học là từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi. Trong trường hợp này, công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ nên độ tuổi sẽ bị kéo dài thêm 02 năm so với các trường hợp thông thường.

Luật gia Vinh cho biết, hiện chưa có quy định cụ thể về cách tính tuổi gọi NVQS, tuy nhiên cách tính tuổi “từ đủ” có thể được hiểu như sau: từ đủ 18 tuổi tức là ngày/tháng/năm + 18; hết 25 tuổi tức là ngày/tháng/năm + 26; và hết 27 tuổi tức là ngày/tháng/năm + 28.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng hoa, động viên tân binh tại huyện Đông Anh trước giờ lên đường nhập ngũ năm 2022 (Ảnh minh họa, nguồn: Đăng Anh) 

Về điều kiện sức khỏe: Tuyển chọn những thanh niên có sức khỏe loại 1, 2, 3 được Hội đồng khám sức khoẻ kết luận theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BQP-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện NVQS. Không tuyển chọn, gọi nhập ngũ đối với những công dân sức khỏe loại 3 có tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 Diop trở lên, viễn thị các mức độ), nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS.

Về chính trị đạo đức: Thực hiện theo Thông tư liên tịch 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15 tháng 4 năm 2016 của liên Bộ Quốc phòng - Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những cơ quan, đơn vị trọng yếu tuyển chọn theo Quyết định 92/2007/QĐ-BQP ngày 02 tháng 6 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về cơ quan đơn vị trọng yếu, cơ mật và nguyên tắc tuyển chọn, điều động người vào làm việc ở cơ quan đơn vị trọng yếu, cơ mật.

Về tiêu chuẩn văn hóa: Tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên.

Chú trọng tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo nghề và công chức, viên chức. Tỷ lệ này phải đạt 1 đến 2% trở lên.

Theo Điều 21 Mục 1 Chương III Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

Đáng chú ý, thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Gần đây, Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện chuyển đến đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, quy định theo hướng tất cả nam thanh niên đến tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau đó mới được đi học đại học hoặc học nghề để đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền cơ sở gọi thanh niên nhập ngũ.

Có thể thấy, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã góp phần quan trọng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, đơn vị, sẵn sàng bổ sung quân số cho các đơn vị thường trực và thay quân theo luật định. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhất định, trong đó có nội dung thực hiện công bằng xã hội đối với mọi nam thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ.

Theo Bộ Quốc phòng, do điều kiện kinh tế đất nước còn hạn hẹp và nhiều yếu tố khác chi phối nên chưa thể gọi hết nam thanh niên nhập ngũ. Hàng năm chỉ gọi nhập ngũ từ 3-3,2% trong tổng số thanh niên ở độ tuổi thực hiện NVQS. Do đó, Bộ cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu, xem xét báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 theo chương trình soạn thảo luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, và các Bộ ngành sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan bảo đảm thống nhất, đồng bộ góp phần thực hiện công bằng trong công tác tuyển quân.

“Năm nay, dự kiến Lễ giao và nhận quân sẽ diễn ra từ tháng 02 đến tháng 03. Nhập ngũ để thực hiện NVQS là nghĩa vụ thiêng liêng, vẻ vang của công dân, đóng góp vào công cuộc bảo vệ, đắp xây thành đồng Tổ quốc. Các tân binh không chỉ được rèn luyện, trưởng thành trong môi trường quân đội mà còn được hưởng nhiều quyền lợi cũng như chế độ trong thời gian tại ngũ và khi xuất ngũ”, luật gia Vinh nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực