Nghỉ dịch về quê có bị xóa tạm trú?

Thứ bảy, 24/07/2021 09:00
(ĐCSVN) - Bạn đọc Trần Thế Thành (Bình Dương) hỏi: “Tôi làm công nhân tại một khu công nghiệp tại Bình Dương. Thời gian vừa qua do dịch kéo dài nên công ty tạm cho nghỉ việc (hết dịch sẽ lên làm lại). Vậy sau khi quay lại Bình Dương làm việc tôi có bị xóa tạm trú tại Bình Dương hay không?”
Hình ảnh Sổ Tạm trú. Ảnh HC 

Liên quan đến vấn đề này Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Luật sư của một hãng luật tại Hà Nội trả lời như sau:

Việc bị xóa tạm trú được quy định tại điều 29 Luật cư trú năm 2020. Cụ thể, người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký tạm trú:

a) Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

b) Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký tạm trú quy định tại Điều 35 của Luật này;

c) Vắng mặt liên tục tại nơi tạm trú từ 06 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;

d) Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

đ) Đã được đăng ký thường trú tại chính nơi tạm trú;

e) Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;

g) Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý cho tiếp tục sinh sống tại chỗ ở đó;

h) Người đăng ký tạm trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Cơ quan đã đăng ký tạm trú có thẩm quyền xóa đăng ký tạm trú và phải ghi rõ lý do, thời điểm xóa đăng ký tạm trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Như vậy, nếu bạn không thuộc các trường hợp trên thì không bị xóa đăng ký tạm trú. Các trường hợp thuộc các quy định ở trên thì cần làm lại tạm trú. Quy trình xin đăng ký tạm trú như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư 56/2021/TT-BCA). Đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến Công an phường, xã, thị trấn nơi mình dự kiến tạm trú. Có thể nộp bằng 2 cách:

- Nộp hồ sơ trực tiếp tại Công an cấp xã.

- Nộp hồ sơ trực tuyến qua các cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Cổng dịch vụ công quốc gia, hoặc qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Bước 3: Bổ sung hồ sơ nếu có hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền và nhận Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả khi hồ sơ đã hợp lệ.

Bước 4: Nộp lệ phí đăng ký cư trú căn cứ theo quy định của từng địa phương.

Bước 5: Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú (nếu có).

Thời hạn giải quyết thủ tục: Thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trong 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú. Hồ sơ, thủ tục gia hạn tương tự như trên./.

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực