Nhiệm vụ, quyền hạn của trợ lý, thư ký cán bộ cấp cao

Thứ hai, 20/05/2024 09:53
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Một số bạn đọc muốn biết trợ lý, thư ký của các đồng chí cán bộ cấp cao có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào?

Do yêu cầu thực tiễn, ngày 19/8/2021, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 30-QĐ/TW về “Tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký”.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 2 Chương I nêu rõ chức vụ lãnh đạo được sử dụng trợ lý gồm:

a) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư.

b) Ủy viên Bộ Chính trị.

c) Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Chức vụ lãnh đạo được sử dụng thư ký gồm:

a) Chức vụ lãnh đạo tại Khoản 1 Điều này.

b) Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng và tương đương; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Ngày 01/12/2021, Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Trợ lý, Thư ký đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. (Ảnh minh họa, nguồn: congly.vn)

Điều 3 Chương I Quy định 30-QĐ/TW nêu rõ: Trợ lý, thư ký của đồng chí lãnh đạo nào thì do đồng chí lãnh đạo đó giới thiệu hoặc cơ quan nơi đồng chí lãnh đạo làm việc đề xuất theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện tại Điều 4 Quy định này.

- Chức danh trợ lý, thư ký nằm trong tổng số biên chế được giao của từng cơ quan và bảo đảm liên thông với các vị trí tương đương khác trong hệ thống chính trị.

- Khi thôi đảm nhiệm chức danh trợ lý, thư ký nếu còn tuổi công tác thì tập thể lãnh đạo cơ quan, cấp ủy hoặc tổ chức đảng (nơi trợ lý, thư ký công tác) căn cứ tình hình thực tế và năng lực, sở trường của cán bộ để bố trí, sắp xếp, điều động công tác theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức vụ mới được thực hiện theo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử của Đảng.

Điều 7 Chương II quy định số lượng của các chức danh như sau:

1. Số lượng trợ lý

a) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng không quá 4 trợ lý.

b) Thường trực Ban Bí thư được sử dụng không quá 3 trợ lý.

c) Ủy viên Bộ Chính trị được sử dụng không quá 2 trợ lý.

d) Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội được sử dụng 1 trợ lý.

Trong trường hợp cần thiết, nếu có nhu cầu sử dụng số lượng trợ lý nhiều hơn quy định thì báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

2. Số lượng thư ký

a) Chức vụ lãnh đạo tại Khoản 1 Điều 2 Quy định này được sử dụng không quá 2 thư ký.

b) Chức vụ lãnh đạo tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 Quy định này được sử dụng 1 thư ký.

Về nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của các chức danh nói trên, theo Khoản 1 Điều 5 Chương II, chức danh trợ lý có nhiệm vụ:

- Tham mưu, đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của đồng chí lãnh đạo.

- Chủ động nắm tình hình, nghiên cứu, cập nhật thông tin, phân tích, tham mưu, đề xuất những nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của đồng chí lãnh đạo.

- Trực tiếp hoặc phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan tham mưu, chuẩn bị văn bản, bài viết, bài phát biểu… theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo.

- Thực hiện nhiệm vụ khác theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo.

Về quyền hạn bao gồm: 

- Được phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ; theo dõi tiến độ thực hiện các công việc được giao.

- Được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công việc.

- Được mời tham dự và phát biểu trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo thuộc phạm vi công việc.

Còn theo Khoản 2 Điều 5 Chương II, chức danh thư ký có nhiệm vụ:

- Nghiên cứu, tham mưu một số lĩnh vực theo sự phân công của đồng chí lãnh đạo.

- Tham mưu, phối hợp, sắp xếp lịch làm việc của đồng chí lãnh đạo; tiếp nhận, kịp thời báo cáo, xử lý công văn, tài liệu; kiểm tra văn bản trước khi trình đồng chí lãnh đạo duyệt, ký ban hành.

- Phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để phục vụ, ghi biên bản các cuộc họp do đồng chí lãnh đạo chủ trì hoặc chuẩn bị chương trình công tác của đồng chí lãnh đạo.

- Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của đồng chí lãnh đạo.

Về quyền hạn bao gồm: 

- Tiếp nhận, truyền đạt ý kiến của đồng chí lãnh đạo đến cơ quan, cá nhân có liên quan.

- Được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công việc; được phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ.

- Được mời tham dự các cuộc họp theo sự phân công của đồng chí lãnh đạo và phát biểu khi cần thiết./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực