|
Tùy từng trường hợp, việc chở quá đông người trên xe sẽ bị phạt từ vài trăm đến vài triệu đồng. (Ảnh minh họa) |
Trả lời câu hỏi trên, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Việc ô tô tùy từng loại có chở thêm một vài người trên xe trong một số trường hợp vẫn được chấp nhận và không bị xử phạt. Số người cho phép chở thêm được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019b về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (Nghị định 100).
Cụ thể, theo khoản 2, Điều 23 Nghị định 100, người điều khiển phương tiện giao thông được phép chở thêm một số người nhất định, cụ thể:
- Xe dưới 10 chỗ ngồi: Được phép chở quá 1 người;
- Xe 10 - 15 chỗ ngồi: Được phép chở quá 2 người;
- Xe 16 - 30 chỗ ngồi: Được phép chở quá 3 người;
- Xe trên 30 chỗ ngồi: Được phép chở quá 4 người;
Đối với trường hợp chở quá số người quy định nói trên, tài xế sẽ bị CSGT phạt tiền với mức 400-600 nghìn đồng/người vượt quá.
Còn tại khoản 4, Điều 23 Nghị định 100, đối với xe chở khách chạy tuyến cố định trên 300 km, mỗi người chở quá sẽ bị phạt khá nặng, ở mức từ 1-2 triệu đồng.
Như vậy, đối với xe có đăng ký 5 chỗ ngồi, vẫn có thể chở được 6 người; còn xe 7 chỗ vẫn chở được 8 người bao gồm cả lái xe mà không bị CSGT xử phạt.
Tuy nhiên, các chuyên gia về lái xe an toàn khuyên rằng, dù quy định có phép chở thêm một số người nhất định nhưng lái xe chỉ nên chở đúng số người theo thiết kế bởi nhà sản xuất đã tính toán để ô tô có thể vận hành tốt và an toàn nhất khi chở tối đa số người như vậy.
Ngoài ra, nhà sản xuất cũng chỉ bố trí số dây an toàn đúng theo số chỗ ngồi, do vậy nếu chở quá dù chỉ 1 người đồng nghĩa với việc người đó không được trang bị dây an toàn, có nguy cơ thương vong cao khi xe không may gặp tai nạn trên đường.
Khoản 3, Điều 5 Nghị định 100 cũng quy định mức xử phạt từ 800.000-1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe hoặc chở người trên xe không thắt dây an toàn khi lưu thông trên đường./.