|
Phạm tội do hoang tưởng khi sử dụng ma túy phải chịu trách nhiệm hình sự.
(Ảnh: news.zing.vn )
|
Trả lời:
Phạm tội do hoang tưởng khi sử dụng ma túy phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 thì chưa có quy định cụ thể, riêng biệt cho trường hợp phạm tội trong tình trạng “ngáo đá”. Tuy nhiên, tại Điều 13 Bộ luật hình sự (BLHS) quy định về trường hợp phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như sau: Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Phượng (Công ty Luật Song Thanh - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: trên thực tế những người bị “ngáo đá” trước đó là những người bình thường, có năng lực trách nhiệm với các hành vi của mình. Việc họ mất năng lực, hạn chế năng lực là do họ sử dụng chất kích thích, gây ảo giác dẫn đến hiện tượng “ngáo đá”. Chính họ tự làm bản thân mình bị giảm sút, khó khăn hoặc mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi. Người phạm tội hoàn toàn ý thức được điều này, nên họ vẫn phải chịu trách nhiệm khi vi phạm hoặc phạm tội trong tình trạng “ngáo đá”. Mặt khác, người “ngáo đá” thực hiện hành vi trong tình trạng loạn thần nhưng không phải là trường hợp bị tâm thần, nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ mà người phạm tội vẫn phải chịu hình phạt theo tội danh vi phạm.
Trong thực tiễn, nhiều vụ án xét xử các trường hợp phạm tội khi “ngáo đá” đã cho thấy: Mặc dù Hội đồng giám định pháp y kết luận người phạm tội do hoang tưởng khi sử dụng ma túy, nhưng họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, trường hợp em trai của bạn Phạm Văn Thanh có hành vi “ngáo đá” đã dùng dao đâm vào bụng người khác, phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, tương tự như trường hợp phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác.
Phạm tội trong khi “ngáo đá” còn là tình tiết tăng nặng
Pháp luật hình sự hiện hành không coi việc say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác như: thuốc lắc, ma túy,…là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tức là người phạm tội trong tình trạng say xỉn hay “ngáo đá” cũng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự như người bình thường. Điều này được quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngoài ra, nếu sử dụng các chất kích thích mạnh thuộc danh mục chất cấm như ma túy còn có thể bị xử lý trách nhiệm hành chính. Điều này được quy định tại Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội./.