|
Ảnh minh họa: Ngọc Anh. |
Khoản 1, Điều 21, Mục 3, Chương II, Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 ngày 25 tháng 6 năm 2015 có quy định về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:
- Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động;
- Đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
Như vậy, có thể thấy đây là vấn đề bắt buộc thực hiện của doanh nghiệp, trên thực tế tùy chế độ phúc lợi của doanh nghiệp có thể linh hoạt tổ chức khám nhiều hơn số lần quy định nêu trên.
Trường hợp doanh nghiệp, chủ lao động không tiến hành khám sức khỏe cho người lao động theo quy định nêu trên thì căn cứ Khoản 2, Điều 21, Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 quy định vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mức xử phạt thể hiện như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động nhưng người lao động không muốn khám.
Thực tế không phải nơi nào cũng nghiêm chỉnh chấp hành việc tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Do vậy, không tổ chức khám sức khỏe cho bạn, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Nếu như vẫn còn nhiều người giống bạn vẫn chưa được khám sức khỏe thì người sử dụng lao động sẽ tiếp tục bị phạt với mức phạt tiền như trên cho một người lao động chưa được khám sức khỏe, mức phạt tối đa không quá 75 triệu đồng/lần xử phạt./.