|
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho các sản phụ tại Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phụ nữ mang thai có thể được tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19, nếu lợi ích của việc tiêm phòng lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vắc xin. Đối với những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 (ví dụ nhân viên y tế) hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng (ví dụ người đang mắc bệnh nền), nên xin tư vấn của bác sĩ để cân nhắc về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19. Phụ nữ sau sinh và bà mẹ đang cho con bú có thể tiêm vắc xin nếu có sẵn vắc xin. Tiêm vắc xin an toàn cho cả mẹ và bé, vì vậy không phải tạm ngưng cho con bú sau khi tiêm vắc xin.
Mới đây, Bộ Y tế ban hành quyết định 3802/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế xác định các trường hợp phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng khi tiêm vắc xin, trong đó có phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên. Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần sẽ được hoãn tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Bộ Y tế lưu ý khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho thai phụ cần hỏi rõ tuổi thai và giải thích lợi ích, nguy cơ. Chỉ nên cân nhắc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi, đồng thời thai phụ cần ký cam kết nếu đồng ý tiêm. Những trường hợp này sẽ được chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện chưa có bằng chứng nào được ghi nhận về ảnh hưởng của vaccine phòng COVID-19 lên sức khỏe của thai nhi. Thậm chí, việc tiêm vaccine cho thai phụ không chỉ tạo được miễn dịch cho chính bản thân người mẹ mà còn có khả năng tạo được miễn dịch cho thai nhi vì kháng thể được truyền qua nhau thai. Vì vậy, thai phụ hoàn toàn yên tâm vì vaccine sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi.
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 phụ nữ mang thai cần lưu ý như: thăm khám bác sĩ sản khoa trước khi tiêm chủng; bác sĩ sản khoa sẽ đánh giá sức khỏe thai kỳ như kiểm tra tuổi thai, tình trạng thai, đánh giá nguy cơ và lợi ích tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở phụ nữ mang thai; loại vắc xin được chỉ định tiêm cho thai phụ là AstraZeneca, Pfizer, Moderna, chống chỉ định vắc xin Sputnik V.
Bác sĩ Minh lưu ý lịch tiêm vắc xin khác của phụ nữ mang thai như vắc xin uốn ván, bạch hầu, ho gà... cách ít nhất là 14 ngày trước khi tiêm vắc xin COVID-19 và cách 28 ngày sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Phụ nữ mang thai sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần tiếp tục theo dõi chăm sóc thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa.
Ngoài ra, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có thể gây ra một số hiện tượng bất thường về sức khỏe như các biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân, bao gồm phản ứng thông thường sau tiêm chủng và tai biến nặng sau tiêm chủng. Phụ nữ mang thai cần theo dõi những biến cố bất lợi sau tiêm chủng tương tự những người được tiêm chủng khác./.