Quy định của pháp luật về hoạt động của Kiểm toán?

Thứ hai, 20/03/2023 14:29
(ĐCSVN) - Bạn đọc Lê Ngọc Hà, sống tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh hỏi, quy định của pháp luật về hoạt động của Kiểm toán? Các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi được kiểm toán? quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước?

Theo Luật gia Nguyễn Thế Hiển, chi nhánh Công ty luật Hà Đăng (trụ sở tại thành phố Hà Nội), căn cứ tại Điều 55 Chương V Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (Luật số: 81/2015/QH13, ngày 24 tháng 6 năm 2015) quy định về đơn vị được kiểm toán cụ thể như sau:

- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước ở trung ương.

- Cơ quan được giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp.

- Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, cơ quan khác của Nhà nước ở địa phương.

- Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Nhân dân.

- Đơn vị quản lý, sử dụng dự trữ quốc gia; quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước.

- Đơn vị sự nghiệp công lập.

- Tổ chức quản lý tài sản quốc gia.

- Ban quản lý dự án đầu tư có nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.

- Đơn vị nhận trợ giá, trợ cấp của Nhà nước, đơn vị có công nợ được Nhà nước bảo lãnh mà không phải là doanh nghiệp có quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Các đơn vị này có thể thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán; doanh nghiệp kiểm toán phải thực hiện việc kiểm toán theo chuẩn mực, quy trình kiểm toán nhà nước và gửi báo cáo kiểm toán cho Kiểm toán nhà nước.

- Cơ quan được giao quản lý, sử dụng nợ công.

 Trụ sở cơ quan kiểm toán nhà nước tại Thủ đô Hà Nội (Ảnh: www.sav.gov.vn)

Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28/2/2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2023, gồm 5 Chương 21 Điều quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt…

Theo đó, các hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục được quy định rõ tại Chương II (từ Điều 8 đến Điều 14) bao gồm: hành vi vi phạm các quy định về gửi báo cáo định kỳ; hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán; hành vi vi phạm quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán; hành vi không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán; hành vi mua chuộc, hối lộ thành viên Đoàn kiểm toán, cản trở công việc của kiểm toán nhà nước; hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán; hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của kiểm toán nhà nước…

Đáng chú ý, Điều 12 nêu rõ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Mua chuộc, hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng cho Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; Cản trở công việc của kiểm toán nhà nước và kiểm toán viên nhà nước.

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, ngoài việc bị xử phạt theo quy định của Pháp lệnh này, còn phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật như thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Về hình thức xử phạt, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu các hình thức xử phạt như: phạt cảnh cáo; phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước của cá nhân là 50 triệu đồng, còn tổ chức là 100 triệu đồng.

Theo luật gia Hiển, để đảm bảo tính thống nhất với quy định đã có, ngoài các cá nhân, tổ chức theo quy định, Pháp lệnh nêu rõ: Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Kiểm toán nhà nước là hoạt động kiểm toán được thực hiện bởi các công chức của cơ quan chức năng nhà nước, nhằm mục đích kiểm toán tình hình tuân thủ của doanh nghiệp. Cụ thể, các cơ quan này sẽ kiểm tra và xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của các sổ sách, chứng từ và số liệu kế toán của các đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước hay các tổ chức xã hội đang sử dụng ngân sách nhà nước.

Kiểm toán nhà nước Việt Nam là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc sử dụng và quản lý tài chính, tài sản công, giúp vấn đề tài chính của nhà nước được minh bạch, hạn chế tham nhũng./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực