Bạn đọc Mai Thị Mão, sống tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình hỏi: Tôi đã lớn tuổi, muốn lập di chúc mà không cho con cháu biết. Vậy tôi phải ra UBND xã hay đến phòng công chứng? Trường hợp đã lập xong rồi lại muốn thay đổi hay hủy bỏ có được không?
Về nội dung này, luật gia Nguyễn Minh Phương, công ty luật TNHH Trường Sơn (địa chỉ tại thành phố Hà Nội) cho biết pháp luật quy định người lập di chúc có thể đến tổ chức hành nghề công chứng (bao gồm phòng công chứng và văn phòng công chứng) hoặc chứng thực ở UBND cấp xã.
Để yêu cầu lập di chúc, cần cung cấp các giấy tờ như: giấy tờ tùy thân, dự thảo di chúc (nếu có), giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế theo quy định pháp luật, giấy tờ chứng minh nơi cư trú; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy chứng nhận kết hôn, các giấy tờ để xác định tài sản chung riêng; bản sao giấy tờ tùy thân của người nhận di sản (nếu có).
Hủy bỏ di chúc là việc người để lại di chúc, thông qua hành vi pháp lý hợp pháp để tuyên bố tiêu hủy hoặc không công nhận tất cả các di chúc do mình đã lập trước đó. Việc hủy bỏ di chúc là làm tiêu hủy hiệu lực pháp lý của di chúc trước nhưng không bao hàm cả việc đưa ra một di chúc mới.
|
Người dân thực hiện thủ tục công chứng tại một văn phòng công chứng ở TP HCM (Ảnh : Nguyễn Hiền)
|
Theo quy định tại Điều 640 Chương XXII Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015), người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, theo Khoản 3 Điều 56 Mục 2 Chương V Luật Công chứng 2014 (Số: 53/2014/QH13, ngày 20 tháng 6 năm 2014), di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó, để ghi chú vào sổ chứng thực hợp đồng, giao dịch.
“Thủ tục công chứng việc huỷ bỏ di chúc ở bất cứ văn phòng, phòng công chứng, nào mà không bắt buộc phải là công chứng viên của văn phòng, phòng công chứng đã công chứng di chúc muốn huỷ bỏ”, luật gia Phương phân tích.
Cũng giống các giao dịch, hợp đồng khác, hồ sơ người lập di chúc cần chuẩn bị để huỷ bỏ di chúc gồm:
- Tất cả các bản di chúc đã lập được công chứng viên trả cho người lập di chúc (bản chính).
- Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân của người lập di chúc (còn hạn sử dụng) như chứng minh Nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu, giấy tờ xác nhận quan hệ hôn nhân (đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân)...
- Giấy tờ về tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, đăng ký xe...
- Phiếu yêu cầu công chứng.
Đồng thời với việc chuẩn bị các giấy tờ này, người lập di chúc cũng phải xuất trình bản chính của tất cả các giấy tờ nêu trên để công chứng viên đối chiếu trước khi người này ký xác nhận trong văn bản huỷ bỏ di chúc.
Ngoài ra, pháp luật quy định rõ các trường hợp di chúc bị hủy bỏ:
Đặc thù đối với di chúc miệng thì sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Các di chúc được lập bằng văn bản, người lập di chúc có quyền hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Ngoài chủ thể lập di chúc, không ai đương nhiên có quyền hủy bỏ di chúc.
Căn cứ Khoản 2 Điều 43 Mục 1 Chương V Luật Công chứng năm 2014, thời hạn thực hiện huỷ bỏ việc công chứng di chúc là 02 ngày làm việc. Nếu cần xác minh thêm các điều kiện thì công chứng viên sẽ kéo dài thời gian giải quyết nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Căn cứ Khoản 3 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC (Số: 257/2016/TT-BTC, ngày 11 tháng 11 năm 2016), quy định mức phí đối với việc công chứng hợp đồng, giao dịch không theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch, thì phí công chứng việc huỷ bỏ di chúc là 25.000 đồng.
“Ngoài khoản phí công chứng, người lập di chúc có thể phải trả thêm thù lao công chứng theo quy định của từng văn phòng/phòng công chứng nhưng không được cao hơn hạn mức do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quy định”, luật gia Phương nhấn mạnh./.