Quy định mới về phí đường bộ?

Thứ tư, 31/01/2024 16:52
(ĐCSVN) - “Được biết tới đây mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ sẽ có sự thay đổi đáng kể. Xin hỏi cụ thể là như nào?”, bạn đọc Nguyễn Minh Hoàng, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội hỏi.
 Ảnh minh họa. Nguồn: https://quochoitv.vn/

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 90/2023/NĐ-CP quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2024.

Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), kiểm định để lưu hành (được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), bao gồm: xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự (ô tô).

Mức thu phí sử dụng đường bộ của các loại phương tiện như sau:

- Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh: 130.000 đồng/01tháng; 390.000 đồng/03 tháng; 780.000 đồng/06 tháng; 1.560.000 đồng/12 tháng; 2.280.000 đồng/18 tháng; 3.000.000 đồng/24 tháng.

- Xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe quy định tại điểm 1 nêu trên); xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ dưới 4.000 kg; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng (bao gồm cả xe đưa đón học sinh, sinh viên, công nhân được hưởng chính sách trợ giá như xe buýt); xe chở hàng và xe chở người 4 bánh có gắn động cơ: 180.000 đồng/01tháng; 540.000 đồng/03 tháng; 1.080.000 đồng/06 tháng; 2.160.000 đồng/12 tháng; 3.150.000 đồng/18 tháng; 4.150.000 đồng/24 tháng.

 

- Xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 4.000 kg đến dưới 8.500 kg: 270.000 đồng/01 tháng; 810.000 đồng/03 tháng; 1.620.000 đồng/06 tháng; 3.240.000 đồng/12 tháng; 4.730.000 đồng/18 tháng; 6.220.000 đồng/24 tháng.

- Xe chở người từ 25 chỗ đến dưới 40 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 8.500 kg đến dưới 13.000 kg: 390.000 đồng/01 tháng; 1.170.000 đồng/03 tháng; 2.340.000 đồng/06 tháng; 4.680.000 đồng/12 tháng; 6.830.000 đồng/18 tháng; 8.990.000 đồng/24 tháng.

- Xe chở người từ 40 chỗ trở lên; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 13.000 kg đến dưới 19.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo đến dưới 19.000 kg: 590.000 đồng/01 tháng; 1.770.000 đồng/03 tháng; 3.540.000 đồng/06 tháng; 7.080.000 đồng/12 tháng; 10.340.000 đồng/18 tháng; 13.590.000 đồng/24 tháng.

- Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg: 720.000 đồng/01 tháng; 2.160.000 đồng/03 tháng; 4.320.000 đồng/06 tháng; 8.640.000 đồng/12 tháng; 12.610.000 đồng/18 tháng; 16.590.000 đồng/24 tháng.

- Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 27.000 kg đến dưới 40.000 kg: 1.040.000 đồng/01 tháng; 3.120.000 đồng/03 tháng; 6.240.000 đồng/06 tháng; 12.480.000 đồng/12 tháng; 18.220.000 đồng/18 tháng; 23.960.000 đồng/24 tháng.

- Xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên: 1.430.000 đồng/01 tháng; 4.290.000 đồng/03 tháng; 8.580.000 đồng/06 tháng; 17.160.000 đồng/12 tháng; 25.050.000 đồng/18 tháng; 32.950.000 đồng/24 tháng.

Đối với xe của lực lượng quốc phòng: xe ô tô con quân sự là 1.000.000 đồng/năm, xe ô tô vận tải quân sự là 1.500.000 đồng/năm; trong khi xe của lực lượng công an: xe dưới 7 chỗ ngồi là 1.000.000 đồng/năm và xe ô tô từ 7 chỗ ngồi trở lên, xe khách, xe vận tải, xe ô tô chuyên dùng là 1.500.000 đồng/năm.

Chi tiết các mức thu phí sử dụng đường bộ 

Đáng chú ý, Nghị định nêu rõ các trường hợp miễn phí sử dụng đường bộ bao gồm:  Xe cứu thương; Xe chữa cháy; Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ, gồm: Xe có kết cấu chuyên dùng phục vụ tang lễ (bao gồm: xe tang, xe tải lạnh dùng để lưu xác và chở xác); Các xe liên quan phục vụ tang lễ (bao gồm: xe chở khách đi cùng xe tang, xe tải chở hoa, xe rước ảnh) là xe chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ có giấy chứng nhận đăng ký xe mang tên đơn vị phục vụ tang lễ. Đơn vị phục vụ tang lễ có văn bản cam kết các loại xe này chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ gửi đơn vị đăng kiểm khi kiểm định xe (trong đó nêu cụ thể số lượng xe, biển số xe theo từng loại).

- Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng bao gồm các xe mang biển số: Nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (bao gồm: xe xi téc, xe cần cẩu, xe chở lực lượng vũ trang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe vận tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, xe kiểm soát, xe kiểm tra quân sự, xe chuyên dùng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn, xe thông tin vệ tinh và các xe ô tô đặc chủng khác phục vụ quốc phòng).

-  Xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng công an Nhân dân bao gồm:

+  Xe cảnh sát giao thông có in dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” ở hai bên thân xe.

+  Xe cảnh sát 113 có in dòng chữ “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe.

+  Xe cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe.

+  Xe vận tải có lắp ghế ngồi trong thùng xe của lực lượng công an Nhân dân làm nhiệm vụ.

+  Xe chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn và các xe chuyên dùng khác của lực lượng công an Nhân dân.

+ Xe đặc chủng (xe thông tin vệ tinh, xe chống đạn, xe phòng chống khủng bố, chống bạo loạn và các xe đặc chủng khác của lực lượng công an Nhân dân).

Ngoài ra, đối với xe ô tô kiểm định lần đầu, thời điểm tính phí sử dụng đường bộ tính từ ngày phương tiện được cấp Giấy chứng nhận kiểm định. Đối với xe ô tô cải tạo, chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu từ tổ chức sang cá nhân (và ngược lại) thì mức thu phí tính từ ngày chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu theo giấy chứng nhận đăng ký mới của xe ô tô. Phí sử dụng đường bộ tính theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ kiểm định của xe ô tô. Đơn vị đăng kiểm cấp tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.

Cụ thể như trường hợp nộp phí theo năm (12 tháng), đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí 12 tháng. Hết thời hạn nộp phí (12 tháng), chủ phương tiện phải đến đơn vị đăng kiểm nộp phí và được cấp tem nộp phí sử dụng đường bộ của thời gian tiếp theo (12 tháng hoặc thời gian còn lại của chu kỳ đăng kiểm).

Doanh nghiệp có số phí sử dụng đường bộ phải nộp từ 30 triệu đồng/tháng trở lên được thực hiện nộp phí theo tháng. Doanh nghiệp có văn bản (lần đầu hoặc khi phát sinh tăng, giảm phương tiện) gửi đơn vị đăng kiểm và thực hiện nộp phí đối với các phương tiện của mình.

“Khi thu phí sử dụng đường bộ, tổ chức thu phí phải lập và cấp biên lai thu phí cho người nộp phí theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính”, Nghị định nhấn mạnh./.

Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực