Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Trường giáo dưỡng là nơi tập trung những trẻ vị thành niên (từ 12 tới dưới 18 tuổi) có hành vi vi phạm pháp luật cần được giáo dục đặc biệt khi chưa cần thiết áp dụng hình phạt. Nhưng do yếu tố thân nhân, tính chất của hành vi phạm tội và hoàn cảnh sống của trẻ em đó thấy cần phải đưa vào trường giáo dưỡng để trang bị những kiến thức cả về văn hóa và cách sinh hoạt trong xã hội sao cho ý nghĩa tích cực và tuân theo pháp luật.
Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm. Người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
Theo Điều 20 Mục 1 Chương II Nghị định 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định: Học sinh được học văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với học sinh chưa đạt trình độ phổ cập giáo dục trung học cơ sở thì việc học văn hóa là bắt buộc; đối với những học sinh khác thì tùy theo khả năng và điều kiện thực tế của trường mà tổ chức học văn hóa cho phù hợp.
|
Học sinh trường giáo dưỡng được trang bị những kiến thức cả về văn hóa và cách sinh hoạt trong xã hội sao (Ảnh minh họa. Nguồn: luatvietnam.vn) |
Học sinh khi vào trường giáo dưỡng không có hồ sơ học bạ thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng tổ chức kiểm tra kiến thức hai môn Văn và Toán bằng hình thức kiểm tra viết. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định xếp lớp học văn hóa cho phù hợp. Quyết định này thay cho học bạ những năm trước đã mất để xét tốt nghiệp cho học sinh.
Ngoài việc học văn hóa, học sinh phải được học tập chương trình giáo dục công dân và chương trình giáo dục khác do Bộ Công an quy định. Phòng học của học sinh được trang bị máy tính, máy chiếu, quạt điện và các dụng cụ dạy học cần thiết.
Kinh phí mua sách, vở, đồ dùng học tập cho mỗi học sinh hằng tháng tương đương với 07 kg gạo tẻ loại thường tính theo giá thị trường của từng địa phương.
Trường giáo dưỡng có trách nhiệm tổ chức cho học sinh thi học kỳ, thi kết thúc năm học, phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo nơi có trường giáo dưỡng thi tuyển chọn học sinh giỏi, thi vào lớp chuyên và cấp chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp tương ứng với chương trình học cho học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sổ điểm, học bạ, hồ sơ và các biểu mẫu liên quan đến việc giảng dạy và học tập ở trường giáo dưỡng phải theo mẫu chung thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an. Văn bằng, chứng chỉ học văn hóa trong trường giáo dưỡng có giá trị như văn bằng, chứng chỉ của các trường phổ thông.
Luật sư Tuấn phân tích, do cháu đã 16 tuổi nên được tham gia học nghề do Nhà trường tổ chức, ngoài giờ học văn hóa, cháu được học nghề phù hợp với trình độ học vấn và sức khỏe để đảm bảo sự phát triển bình thường về thể lực, trí lực và nhân cách, giúp cháu có kỹ năng nghề phù hợp để tìm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Thời gian học nghề do nhà trường quy định, đảm bảo sự phù hợp về thời gian học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt của học sinh nhưng không quá 07 giờ trong một ngày và không quá 35 giờ trong một tuần. Chứng chỉ học nghề theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
“Do cháu bạn đang bị áp dụng biện pháp hành chính đặc biệt nên việc thăm gặp của người thân cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật” luật sư Tuấn chia sẻ.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 24 Mục 1 Chương II Nghị định 140/2021/NĐ-CP nêu rõ học sinh được thăm gặp thân nhân tại nhà thăm gặp của trường giáo dưỡng, thời gian mỗi lần không quá 03 giờ theo thời gian làm việc của nhà trường, trường hợp ngoài giờ do Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định.
Thời gian thăm gặp vào tất cả các ngày trong tuần, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Trường hợp học sinh chấp hành tốt nội quy trường giáo dưỡng, tích cực rèn luyện, học tập, học nghề và lao động hoặc để phục vụ công tác giáo dục thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định cho kéo dài thời gian thăm gặp nhưng không quá 48 giờ.
Thân nhân đến thăm gặp phải là người có tên trong Sổ thăm gặp và xuất trình Chứng minh Nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có đơn đề nghị có dán ảnh đóng dấu giáp lai được Ủy ban Nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập xác nhận.
Khi thăm gặp phải sử dụng Tiếng Việt, trường hợp là người dân tộc thiểu số phải có cán bộ biết tiếng dân tộc đó hoặc người không biết Tiếng Việt phải thông qua người phiên dịch để giám sát.
Luật sư Tuấn cho biết, chế độ ăn, mặc của học sinh tại các trường giáo dưỡng được quy định cụ thể tại Điều 28 Mục 8 Chương III Nghị định 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ.
Cụ thể, học sinh được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17 kg gạo tẻ; 1,2 kg thịt lợn; 1,2 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; 15 kg rau xanh; 0,2 lít dầu ăn; Gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ; Chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than….
Chế độ ăn trong các ngày lễ, Tết của học sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật và Khoản 1 Điều 149 Mục 3 Chương X Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế để đảm bảo học sinh ăn hết tiêu chuẩn ăn. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định chế độ ăn đối với học sinh ốm đau, bệnh tật trên cơ sở đề xuất của cán bộ y tế nhưng tổng định lượng mức ăn không quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của mỗi học sinh trong một năm được cấp như sau: 02 bộ quần áo dài; 01 bộ quần áo dài đồng phục; 02 bộ quần áo lót; 02 đôi dép nhựa; 01 áo mưa nilông; 01 mũ cứng; 01 mũ vải; 03 khăn mặt; 03 bàn chải đánh răng; 02 chiếu cá nhân; 800 g kem đánh răng; 3,6 kg xà phòng; 800 ml dầu gội đầu.
Học sinh vào trường giáo dưỡng được cấp 01 màn, 01 chăn sợi. Từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc và 05 tỉnh Tây Nguyên, mỗi học sinh được cấp thêm 01 áo ấm, 02 đôi tất và 01 mũ len, 01 chăn bông có vỏ nặng không quá 02 kg dùng trong 02 năm. Đối với học sinh phải chấp hành từ 12 tháng trở lên thì được cấp 02 lần (trừ chăn bông).
Học sinh được mang vào trường giáo dưỡng những đồ dùng cá nhân thiết yếu để sử dụng theo quy định của Bộ Công an….
Ngoài ra, học sinh của trường giáo dưỡng được chăm sóc y tế theo quy định tại Điều 29 Mục 8 Chương III Nghị định 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự.
Đáng chú ý, học sinh được gửi và nhận thư, nhận quà là tiền, đồ vật, trừ rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích khác, đồ vật và các loại văn hóa phẩm thuộc danh mục cấm. Trường giáo dưỡng có trách nhiệm kiểm tra thư, quà trước khi học sinh gửi hoặc nhận. Học sinh có tiền hoặc giấy tờ có giá trị thì phải gửi trường giáo dưỡng để quản lý và sử dụng theo quy định của trường.
“Gia đình cần tích cực động viên giúp cháu chú tâm học tập văn hóa, chăm chỉ lao động cũng như chấp hành tốt các nội quy của trường. Nếu đã chấp hành được ½ thời gian thì hoàn toàn có thể được xem xét, quyết định chấm dứt trước thời hạn”, luật sư Tuấn cho biết thêm./.