Theo luật sư Trương Anh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Luật Cảnh sát cơ động được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (Luật số 04/2022/QH15, ngày 14 tháng 6 năm 2022) có hiệu lực thi hành kể từ 01/01/2023, quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của cảnh sát cơ động; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Chương II Luật Cảnh sát cơ động 2022, khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 9 của Luật này, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó. Trường hợp thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, việc huy động người, phương tiện, thiết bị thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.
Luật sư Tuấn phân tích, trong trường hợp cấp bách theo quy định tại Khoản này, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
|
Tổ tuần tra kiểm soát của Tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm, Trung đoàn cảnh sát cơ động, Công an thành phố Hà Nội làm nhiệm vụ lúc 22h00 (Ảnh minh họa, nguồn: tiengchuong.chinhphu.vn) |
Thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ thuộc Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ độc lập; Người chỉ huy trực tiếp của cảnh sát cơ động tại hiện trường quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.
Tiếp nữa, tại Khoản 3 Điều 16 Chương II Luật Cảnh sát cơ động 2022 nêu rõ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại Khoản 4 Điều 32 của Luật này; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật có liên quan.
Với trường hợp của bạn, theo quy định tại Khoản 4 Điều 32 Chương IV quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù, bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân, gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Tuấn, ngoài lực lượng cảnh sát cơ động, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát cũng có quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
Thực tế đã ghi nhận nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu của phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc trên phạm vi cả nước, thông qua hình thức trực tiếp hỗ trợ lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, chủ động giao phương tiện, trang thiết bị cá nhân khi được huy động…, góp phần mang lại sự bình yên cho cuộc sống, an toàn cho xã hội./.