Thẩm phán có được tiếp bị cáo tại nhà riêng?

Thứ ba, 04/07/2023 13:47
(ĐCSVN) - Quá trình thụ lý giải quyết vụ án “Xâm phạm chỗ ở của công dân”, thẩm phán Nguyễn Thị Sinh (TAND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã gặp bị cáo Lê Thị Thanh Thủy tại nhà riêng; để được hưởng án treo bị cáo Thủy được hưởng án treo. Liên quan đến vụ việc này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, việc thẩm phán tiếp bị cáo tại nhà riêng có vi phạm các quy định của pháp luật hay không?

Theo thông tin từ Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, việc Thẩm phán Nguyễn Thị Sinh tiếp bị cáo Lê Thị Thanh Thủy tại nhà riêng là vi phạm Luật Tổ chức Toà án nhân dân.

Tại văn bản kiến nghị số 21/KN-VKSTC-C1(P9) ngày 28/3/2023, lãnh đạo Cơ quan điều tra VKSND tối cao ký, thể hiện cơ quan này nhận được đơn của bà Lê Thị Thanh Thủy tố cáo một số nội dung liên quan đến quá trình thụ lý giải quyết vụ án “Xâm phạm chỗ ở của công dân”, trong đó bà Lê Thị Thanh Thủy là bị cáo.

Cụ thể, tại văn bản số 20 và 21/KN-VKSTC-C1 (P9) ngày 28/3/2023, lãnh đạo Cơ quan điều tra VVKSND tối cao đã đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng kiểm điểm, xử lý trách nhiệm Chánh án Nguyễn Văn Hùng, Thẩm phán Trần Thanh Long của Tòa án Nhân dân huyện Đức Trọng do vi phạm quy định Bộ luật Tố tụng hình sự; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm Thẩm phán Nguyễn Thị Sinh của Tòa án Nhân dân huyện Đức Trọng vì vi phạm quy định Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014.

  Trụ sở TAND huyện Đức Trọng. Ảnh: Khắc Lịch.

Theo đó, Cơ quan VKSND tối cao xác định, việc VKSND huyện Đức Trọng ra lệnh bắt bị can để tạm giam và TAND huyện Đức Trọng ra quyết định tạm giam bà Thủy là vi phạm khoản 3, Điều 119, Bộ Luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thời hạn tạm giam bà Thủy sau đó đã được khấu trừ vào thời hạn chấp hành án.

Văn bản của Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng nêu rõ, Thẩm phán Nguyễn Thị Sinh tiếp bà Thủy tại nhà riêng là vi phạm Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Trao đổi thêm về nội dung này, Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, Điều 77, Luật Tổ chức Toà án nhân dân quy định rất rõ về “Những việc Thẩm phán không được làm”. Trong đó, khoản 5, Điều 77 quy định, Thẩm phán không được “Tiếp bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định”. Do đó, việc Cơ quan điều tra VKSND tối cao xác định, Thẩm phán Nguyễn Thị Sinh vi phạm Luật Tổ chức Tòa án nhân dân khi tiếp bị cáo Thủy tại nhà riêng là hoàn toàn chính xác.

Như vậy, việc thẩm phán tiếp bị cáo tại nhà riêng là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, trực tiếp là vi phạm Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Cá nhân thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi này.

Được biết, đối với hành vi tiếp bị cáo Lê Thị Thanh Thủy tại nhà riêng của thẩm phán Nguyễn Thị Sinh, TAND huyện Đức Trọng đã tổ chức kiểm điểm trước cơ quan. Hiện lãnh đạo TAND tỉnh Lâm Đồng đang xem xét đề xuất của TAND huyện Đức Trọng và Phòng Tổ chức cán bộ đối với hành vi của thẩm phán Nguyễn Thị Sinh./.

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực