Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an xã?

Thứ bảy, 15/04/2023 17:32
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - “Trong quá trình làm việc tại trụ sở công an xã để giải quyết việc cá nhân, chú tôi xảy ra tranh cãi và có lời lẽ chưa đúng với một cán bộ chiến sĩ. Sau đó, Phó trưởng Công an xã đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng với số tiền 2 triệu đồng. Xin hỏi, việc này có đúng thẩm quyền không, cụ thể ra sao?”, bạn đọc Nguyễn Thị Huyền Trang, sống tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên hỏi.

Theo luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, xử phạt hành chính là việc cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền áp dụng chế tài hành chính để xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật không thuộc phạm vi các tội hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự và do các cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện một cách vô ý hay cố ý.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là người có quyền áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Pháp luật cũng quy định các chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tùy theo từng trường hợp.

Công an xã được biết đến chính là Công an cấp cơ sở, đây cũng chính lực lượng giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. Trước đó, Đảng ủy Công an Trung ương có Công văn 594-CV/ĐUCA ngày 10 tháng 8 năm 2018 về việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã; Bộ Công an có Công văn 3422/BCA-X01 ngày 25 tháng 12 năm 2018 về việc xây dựng đề án điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã.

 Công an chính quy xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn (Ảnh minh họa, nguồn: baolamdong.vn)

Sau gần 5 năm triển khai đề án, có thể thấy Công an xã đã thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, Ủy ban Nhân dân cùng cấp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các biện pháp phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

Theo Điểm b, Khoản 12, Điều 1, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 (Luật số: 67/2020/QH14, ngày 13 tháng 11 năm 2020), sửa đổi bổ sung cho Khoản 3, Điều 39, Chương II, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (Luật số: 15/2012/QH13, ngày 20 tháng 6 năm 2012), trưởng Công an cấp xã, trưởng đồn Công an, trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, trưởng Công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, thủy đội trưởng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, phạt tiền đến 5% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 2,5 triệu đồng.

Đối với thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, theo Điều 79, Chương III, Nghị định 144/2021/NĐ-CP (Số: 144/2021/NĐ-CP, ngày 31 tháng 12 năm 2021) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình thì thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thuộc về những đối tượng sau: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các Điều 68, 69, 70, 71, 72, 73, 74, 75, 76 và 77 Nghị định này; Người có thẩm quyền, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, người thuộc lực lượng Công an Nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý.

Căn cứ Khoản 3, Điều 54, Chương II, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về việc giao quyền xử phạt như sau: Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kỳ người nào khác.

Luật sư Tuấn phân tích, khi có văn bản ủy quyền của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm mà pháp luật hành chính quy định giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền thì cấp phó dưới sự hướng dẫn, quản lý của cấp trên được quyền ra quyết định xử phạt hành chính và chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật.

Theo Điều 12, Chương II, Pháp lệnh Công an xã năm 2008 (Số: 06/2008/PL-UBTVQH12, ngày 21 tháng 11 năm 2008), phó trưởng Công an xã giúp trưởng Công an xã thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng Công an xã; khi trưởng Công an xã vắng mặt thì phó trưởng Công an xã được trưởng Công an xã ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng Công an xã.

Như vậy, phó trưởng Công an xã không có thẩm quyền lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trừ trường hợp được trưởng Công an xã giao quyền bằng văn bản hoặc trường hợp ở xã chưa có trưởng Công an.

“Trường hợp của chú bạn, nếu phó trưởng Công an xã được ủy quyền (thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng Công an xã trong một số nhiệm vụ, thời gian, lĩnh vực… cụ thể) thì việc lập biên bản là hoàn toàn đúng luật, đồng thời mức phạt 2 triệu đồng cũng hợp lý”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực