Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo quy định, khi đi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng.
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 16 Chương III Luật Bảo hiểm Y tế (Luật số: 25/2008/QH12, ngày 14 tháng 11 năm 2008), sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số: 46/2014/QH13, ngày 13 tháng 6 năm 2014, đối với người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại Khoản 3 Điều 50 của Luật này đóng BHYT liên tục kể từ lần thứ hai trở đi hoặc người tham gia bảo hiểm y tế quy định tại Khoản 2 Điều 51 của Luật này thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng BHYT.
Đối với người tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 3 Điều 50 của Luật này đóng BHYT lần đầu hoặc đóng BHYT không liên tục thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT; riêng đối với quyền lợi về dịch vụ kỹ thuật cao thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 180 ngày, kể từ ngày đóng BHYT.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi.
Trường hợp cấp cứu: Được tiếp nhận tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tùy thân chứng minh nhân thân hợp lệ trước khi ra viện. Trong quá trình điều trị phát hiện và phải điều trị một số bệnh thì điều trị tại nơi cơ sở KCB được tính đúng tuyến.
|
(Ảnh minh họa, nguồn: lawnet.vn)
|
Trường hợp chuyển tuyến điều trị: Được chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định trong trường hợp cơ sở KCB BHYT vượt quá khả năng điều trị hoặc các dịch vụ kỹ thuật đơn vị không triển khai thực hiện. Người bệnh phải xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ và giấy chuyển viện của cơ sở KCB chuyển tuyến.
Trường hợp thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh: Đối tượng là" sĩ quan hạ sĩ quan, người làm công tác cơ yếu...; Người có công với cách mạng; Thân nhân người có công với cách mạng (cha đẻ, mẹ đẻ, con, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ); Trẻ em dưới 6 tuổi; Người thuộc diện bảo trợ bảo trợ hàng tháng;" thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí vận chuyển 2 chiều trong trường hợp chuyển tuyến kỹ thuật.
Trường hợp khám lại: theo yêu cầu điều trị: Người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB. Giấy hẹn khám lại chỉ sử dụng cho 1 lần thực hiện khám chữa bệnh.
Luật sư Nguyễn Văn Kỹ cho biết, người tham gia đi khám chữa bệnh có xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân chứng minh hợp lệ tại cơ sở KCB ban đầu hoặc cơ sở KCB BHYT khác có giấy chuyển viện được thanh toán như sau:
a. Sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông thường:
- 100% chi phí khám chữa bệnh đối với đối tượng: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan; Người có công cách mạng; Trẻ em dưới 6 tuổi; chi phí khám chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (lương tối thiểu chung) và khám chữa bệnh tại tuyến xã; Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn.
- 95% chi phí khám chữa bệnh đối với đối tượng: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; Thân nhân người có công với cách mạng.
- 80% chi phí khám chữa bệnh đối với các đối tượng khác.
b. Khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn được thanh toán như sau:
- 100% chi phí khám chữa bệnh không giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với: Trẻ em dưới 6 tuổi; Người hoạt động cách mạng trước 1945; người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến trước 19/8/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, thương tật tái phát.
- 100% chi phí đối với: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng CAND nhưng không vượt quá 40 tháng lương cơ sở (lương tối thiểu chung) cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật. Phần còn lại do cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng chi trả.
- 100% chi phí đối với: Người có công với cách mạng nhưng không vượt quá 40 tháng lương cơ sở (lương tối thiểu chung) cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT/BYT-BTC.
- 95% chi phí đối với: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; Thân nhân người có công với cách mạng trừ nhóm đối tượng quy định Điểm i Khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014 (Luật số: 46/2014/QH13 ngày 13 tháng 6 năm 2014); Người thuộc hộ gia đình cận nghèo.
- 80% chi phí dành cho đối tượng và nhóm đối tượng khác.
KCB không đúng cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hoặc không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật (trừ trường hợp cấp cứu) được thanh toán như sau:
- 60% chi phí đối với trường hợp khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh;
- 40% chi phí đối với trường hợp khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Trung Ương.
Trước đó, từ ngày 01/6/2021, người dân trên toàn quốc đã được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID bảo hiểm xã hội khi đi KCB thay thế cho việc sử dụng thẻ bảo hiểm bằng giấy. Đồng thời, các cơ sở KCB BHYT sử dụng đầu đọc để quét mã QR-code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID đối với trường hợp cơ sở không có đầu đọc.
“Đây là bước đi thực sự phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, giúp người dân hạn chế đi lại, không phải giao dịch trực tiếp với cơ quan Bảo hiểm Xã hội đối với các hoạt động liên quan tới thẻ BHYT giấy trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.